• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm: Doanh nghiệp phấp phỏng nỗi lo về thuế Mỹ

Nguồn tin: Vasep, 25/06/2025
Ngày cập nhật: 26/6/2025

Tính đến hết tháng 5/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đằng sau mức tăng trưởng, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt từ thị trường Hoa Kỳ – nơi đang dự kiến áp dụng chính sách thuế đối ứng và thuế chống bán phá giá với mức cao chưa từng có.

Tăng trưởng ấn tượng trên nhiều thị trường

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, nhiều thị trường chính ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tôm ấn tượng trong 5 tháng đầu năm nay.

Trung Quốc & Hong Kong: đạt 494 triệu USD, tăng 90% – trở thành thị trường dẫn đầu về giá trị.

Hoa Kỳ: đạt 294 triệu USD, tăng 28,6% dù đang đối mặt nguy cơ thuế quan.

CPTPP: tăng 37% (472 triệu USD), trong đó Nhật Bản, Canada, Anh tiếp tục là điểm sáng.

EU: tăng 22% với những thị trường nổi bật như Đức (+28%), Bỉ (+41%).

Hàn Quốc: đạt gần 140 triệu USD, tăng 13%.

Giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều có xu hướng tăng, nhu cầu tiêu thụ tốt tại các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng như DN đẩy mạnh XK sang Mỹ trước thời hạn áp thuế đối ứng 9/7 của Tổng thống Trump, hiệu ứng từ các FTA như CPTPP, RCEP đã góp phần quan trọng vào đà tăng trưởng này.

Nguy cơ bị áp thuế đối ứng lên tới 46%

Hoa Kỳ dự kiến áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, vượt xa mức thuế với Ecuador (10%), Ấn Độ (26%), Thái Lan (36%).

Nếu bị áp mức thuế này sẽ làm sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ – thị trường đang chiếm hơn 18% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của 4 triệu lao động trong chuỗi cung ứng ngành tôm và cá tra.

Gây áp lực cạnh tranh tại các thị trường khác do chuyển hướng xuất khẩu, kéo giảm giá bán và lợi nhuận toàn ngành. Và làm tăng nguy cơ phá sản với doanh nghiệp nhỏ do tồn kho, chi phí lưu kho lạnh, lãi suất tăng cao.

Ngày 17/6/2025, VASEP đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

VASEP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp, Tài chính tăng cường nỗ lực đàm phán với phía Hoa Kỳ.

Xây dựng hồ sơ lập luận kỹ lưỡng, nhấn mạnh vai trò của ngành thủy sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực của chính sách thuế đến quan hệ thương mại Việt – Mỹ.

VASEP cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi của ngành và sinh kế người dân.

Thuế chống bán phá giá sơ bộ POR19: Mức cao kỷ lục, vượt xa thông lệ

Ngày 7/6/2025, DOC Hoa Kỳ công bố kết quả sơ bộ kỳ rà soát lần thứ 19 (POR19) với nhiều bất ngờ: Công ty Thông Thuận được áp thuế 0%, xác định không bán phá giá. Công ty STAPIMEX và 22 doanh nghiệp khác: bị áp mức thuế 35,29% – mức cao nhất trong 19 kỳ rà soát.

Đáng chú ý, DOC không áp mức thuế trung bình gia quyền giữa hai bị đơn bắt buộc như thông lệ, mà áp thẳng mức thuế cao lên cả nhóm. VASEP cho rằng việc này là bất thường và thiếu khách quan.

VASEP khẩn thiết đề nghị DOC Hoa Kỳ rà soát lại phương pháp tính toán, đảm bảo đúng quy trình và thông lệ quốc tế.

Xem xét điều chỉnh trong kết quả cuối cùng (dự kiến tháng 12/2025) để phản ánh đúng thực tế: doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá.

Như tiền lệ kỳ POR12, Công ty FIMEX từng bị áp mức thuế sơ bộ cao do lỗi số liệu, nhưng được điều chỉnh giảm mạnh trong kết quả cuối cùng.

5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhưng ngành đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như chi phí nguyên liệu cao, áp lực cạnh tranh từ tôm giá rẻ và rủi ro từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Mức thuế chống bán phá giá sơ bộ 35,29% và thuế đối ứng dự kiến lên tới 46% đang đe dọa nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và ổn định chuỗi cung ứng.

Để ứng phó, doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường, đầu tư chế biến sâu và chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ. VASEP đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành nỗ lực tăng cường đàm phán với Hoa Kỳ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp. Đây là thời điểm ngành tôm cần sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước, sự đồng lòng giữa doanh nghiệp, người nuôi và các bên liên quan trong toàn chuỗi để vượt qua biến động và củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.

Kim Thu

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang