• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 05/05/2025
Ngày cập nhật: 6/5/2025

Đó là 2 trong 3 giải pháp chiến lược giúp ngành thủy sản phát triển bền vững được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến xác định tại Hội nghị “Định hướng phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm” tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa vào ngày 11/4 vừa qua.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng, như: tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Phát triển đội tàu khai thác xa bờ gắn với công tác chống IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững thủy sản. Ảnh: TÍCH CHU

Theo đánh giá của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định sau gần 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản, nhưng vẫn còn không ít điểm nghẽn cần nhanh chóng tháo gỡ, nếu muốn đạt được mục tiêu Chiến lược đã đề ra. Điểm nghẽn đầu tiên theo Thứ trưởng là chính sách giảm tàu khai thác (nhất là tàu khai thác gần bờ), chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân còn chậm và chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

“Số lượng tàu khai thác được chuyển đổi ngành nghề còn rất thấp; một số mô hình chuyển đổi hiệu quả chưa cao, thậm chí có mô hình thất bại ngay sau khi được triển khai thí điểm” - Thứ trưởng chỉ rõ. Nguyên nhân theo Thứ trưởng là do phương thức chuyển đổi, cơ chế chính sách chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn, trong đó, nghề khai thác ven bờ là một điển hình.

Điểm nghẽn thứ hai là nghề nuôi biển, dù tiềm năng, lợi thế được xác định là rất lớn nhưng khó khăn, thách thức cũng rất nhiều. Cụ thể như: những hạn chế về pháp lý, quy hoạch, hạ tầng, nguồn nhân lực có tay nghề cao, chính sách thu hút, khuyến khích cộng đồng ngư dân khai thác chuyển đổi sang nghề nuôi biển hay các loại hình dịch vụ phục vụ nghề nuôi biển. Ngoài ra, công tác bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ vẫn tồn tại không ít bất cập, khiến diện tích mặt nước được bảo tồn chỉ mới chiếm khoảng 6% trong tổng số diện tích mặt nước cần bảo tồn. Vai trò của các nhóm đồng quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ chưa được phát huy, số đã có hiệu quả hoạt động cũng chưa cao. Đó là chưa kể công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, lắp đặt thiết bị hành trình, chống khai thác IUU còn yếu và chưa thật sự đồng bộ tại một số địa phương.

Để ngành thủy sản phát triển bền vững theo đúng mục tiêu “Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo Thứ trưởng cần xoay quanh 3 trụ cột cốt lõi là: “Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Theo đó, việc khai thác phải gắn với công tác chống IUU, thông qua việc rà soát lại cơ cấu đội tàu và ngành nghề khai thác. Chú trọng công tác đăng ký, đăng kiểm, gắn thiết bị hành trình tàu cá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác. Thứ trưởng chỉ đạo thêm: “Cần tăng cường nuôi biển, đổi mới khoa học công nghệ, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường”.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm Ngư Trần Đình Luân, để vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển thủy sản bền vững thì việc giảm số lượng tàu khai thác ven bờ, thúc đẩy nuôi trồng chính là con đường tất yếu để bảo vệ nguồn lợi biển và phát triển sinh kế bền vững cho ngư dân vì chỉ khi nào đời sống của ngư dân được cải thiện ngày một tốt lên thì khi đó, những hành vi khai thác mang tính hủy diệt mới không còn tồn tại trong suy nghĩ của họ. “Hiện nay, ở các địa phương đã có những cách làm hay, mô hình hiệu quả, nên rất cần có sự chung tay của chính quyền địa phương nhiều hơn nữa, để những làng quê ven biển thật sự là nơi đáng sống, là nơi được các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh”.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, số lượng tàu cá của 28 tỉnh, thành ven biển đã giảm từ mức 86.820 chiếc vào năm 2020 xuống còn 82.487 chiếc vào tháng 3/2025. Nghề nuôi biển cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tham gia với nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại được ứng dụng vào nghề nuôi biển. Kết quả điều tra, thống kê của Cục Thủy sản và Kiểm Ngư cho biết, năm 2024, diện tích nuôi biển cả nước ước đạt 9,7 triệu m3 lồng bè và 58.000ha mặt nước nuôi nhuyễn thể với tổng sản lượng nuôi biển ước đạt 832.000 tấn.

TÍCH CHU

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang