Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang, 5/6/2025
Ngày cập nhật:
8/6/2025
Thời điểm này, tỉnh Bắc Giang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch vải thiều. Cùng với việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang còn đưa mùa vải chín thành sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo nhằm giới thiệu, quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều Bắc Giang, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, tạo nguồn thu kép cho người dân.
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang có 29.700 ha diện tích vải thiều, trong đó có 8.000 ha vải sớm, 21.700 ha vải chính vụ. Sản lượng dự kiến đạt 173.300 tấn, trong đó vải sớm ước tính 60.650 tấn và vải chính vụ 112.650 tấn. Giá trị sản xuất vải thiều được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Thời gian thu hoạch vải sớm sẽ diễn ra từ ngày 20/5 đến 15/6, trong khi vải chính vụ bắt đầu từ 10/6 và kéo dài đến 30/7/2025.
Để đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều, ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động kết nối với doanh nghiệp, thương nhân thu mua vải thiều như tổ chức hội nghị kết nối, ký kết biên bản thỏa thuận, hợp đồng tiêu thụ vải thiều giữa các Tập đoàn, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, các doanh nghiệp Logistics; tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời tổ chức Đoàn xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và tại một số nước Châu Âu; tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu vải thiều và các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh tại Lễ hội trái cây tỉnh Tiền Giang, Lễ hội du lịch biên giới Việt Trung Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc và Hội chợ thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN.
Bên cạnh đó, tỉnh chủ động kết nối với các hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Saigon Co.op (Co.opmart), WinCommerce (WinMart), cùng các chợ đầu mối và chợ truyền thống tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố khác. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh vải thiều, nhất là vải thiều an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, Youtube.
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang có 29.700 ha diện tích vải thiều, trong đó có 8.000 ha vải sớm, 21.700 ha vải chính vụ.
Cùng đó, đổi mới phương thức tiêu thụ bằng cách kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử. Năm nay, ngoài các kênh bán hàng truyền thống như năm trước tại chợ đầu mối các tỉnh, thành cả nước, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, vải thiều Lục Ngạn được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử gồm: Sendo (FPT), Voso (viettelpost), Tiki-BigC/GO!, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost). Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục vụ hoạt động thu mua, đóng gói, vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương, tính đến ngày 05/6/2025, toàn tỉnh đã tiêu thụ được 11.503 tấn vải sớm, đạt 6,6% theo kế hoạch. Trong đó, tiêu thụ trong nước 8.328 tấn (qua chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán buôn, bán lẻ khác), chiếm 72,4%; xuất khẩu đạt 3.175 tấn, chiếm 27,6%, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 3.120 tấn, các thị trường khác đạt 55 tấn (EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản).
Thúc đẩy du lịch trải nghiệm miệt vườn mùa vải chín
Vào mùa vải thiều, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang còn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp - sinh thái gắn với mùa vải. Mỗi mùa vải chín, vùng Lục Ngạn, Tân Yên đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm hái vải, thưởng thức đặc sản, tham gia các tour cộng đồng.
Được biết, năm 2025, huyện Lục Ngạn tổ chức Chương trình du lịch “Vải thiều Lục Ngạn - Tinh hoa trái cây Việt” với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch như: Thi người mặc trang phục từ vải thiều; tổ chức trò chơi dân gian chung sức thu hái vải thiều, thi chế biến món ăn và nước uống từ vải thiều; giao lưu văn nghệ và triển lãm không gian văn hóa vải thiều. Bên cạnh đó, du khách sẽ được tham quan trải nghiệm các vườn vải thiều để tìm hiểu quy trình sản xuất, thu hoạch, thưởng thức vải và nhiều món ăn đặc sản của địa phương, các sản phẩm được chế biến cùng với quả vải, chụp ảnh lưu niệm, mua vải làm quà biếu.
Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết: Chương trình Du lịch trải nghiệm mùa vải chín nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, vùng đất, con người Lục Ngạn thân thiện, mến khách nhằm thu hút du khách đến tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thông qua các hoạt động để giới thiệu, quảng bá vải thiều và các loại trái cây, đặc sản của Lục Ngạn đến du khách trong và ngoài nước, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều và thu nhập cho người dân.
Trước đó, khi vải nở hoa, đến đây, khách du lịch có thể thỏa thích ngắm mùa hoa vải thiều nở rộ, dựng lều cắm trại dưới tán cây, ngoài thăm vườn, chụp ảnh, du khách trải nghiệm thu hoạch mật ong nguyên chất hoặc có thể mua cây vải ở các vườn để khi vải chín sẽ lên thu hoạch.
Để phục vụ dịch vụ tham quan, trải nghiệm vườn vải của khách du lịch, các nhà vườn ở huyện Tân Yên, Lục Ngạn đã chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, quét dọn vườn đồi sạch đẹp, lắp biển chỉ dẫn, bố trí bàn ghế để phục vụ du khách. Huyện hướng dẫn các địa phương, HTX xây dựng sản phẩm, lịch trình tour, tuyến gắn việc trải nghiệm vườn vải; tổ chức tập huấn chuyên môn, kỹ năng làm du lịch cho thành viên các tổ dịch vụ, HTX du lịch để nâng cao kỹ năng phục vụ du khách. Một số HTX ở huyện Lục Ngạn sử dụng phương tiện thô sơ như xe trâu, xe bò được trang trí thân thiện để phục vụ khách du lịch đi lại thuận tiện và có trải nghiệm đáng nhớ.
Với lợi thế là vùng vải thiều lớn nhất cả nước, mang đặc trưng riêng mà hiếm nơi nào có được, cùng với việc nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm miệt vườn của khách du lịch. Khai thác lợi thế này, các hộ gia đình, hợp tác xã ở huyện Tân Yên, Lục Ngạn không chỉ chú trọng sản xuất, nâng cao chất lượng vải thiều mà còn tích cực kết hợp vườn vải với mô hình du lịch trải nghiệm mùa quả chín, qua đó vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, nâng cao thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá vải thiều, hình ảnh, vùng đất, con người của địa phương đến du khách trong và ngoài nước./.
An Nhiên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.