• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Dó bầu ‘chinh phục’ người mê trầm hương

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 28/06/2025
Ngày cập nhật: 1/7/2025

Với giá trị kinh tế cao, những năm gần đây nhiều người dân trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã đầu tư phát triển trồng cây dó bầu tạo trầm. Hiện nay, một số vườn đã bắt đầu cho thu "quả ngọt", mở ra hướng phát triển cho ngành sản xuất trầm hương nhân tạo.

Sau gần 5 năm đầu tư vào vườn trầm hương tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, bà Nguyễn Thị Định ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu về kết quả ngoài mong đợi. Tất cả cây dó bầu của gia đình bà sau thời gian cấy tạo đã bắt đầu cho trầm. Bà Định cho biết: Bản thân có nhiều năm tìm hiểu về trầm hương và được biết để tạo ra trầm là cả quá trình gian nan, đầy may rủi. Do đó, khi đầu tư vào vườn trầm tại xã Đồng Tiến, tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, hôm nay khai thác thật bất ngờ, dù chỉ mới cấy tạo được 4 năm nhưng các cây dó bầu đều đã cho trầm.

“Khi cưa thấy trầm khối ăn rất nhiều, không chỉ ăn khúc gốc mà còn lan rộng lên cả phần ngọn, có thể lượng trầm thu được chưa nhiều nhưng tôi cảm thấy rất vui” - bà Định chia sẻ.

Là người sở hữu vườn trầm với những cây dó bầu trên 20 năm tuổi, anh Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần trầm hương TTT cho biết: Hiện nay, công ty đang có 17 vườn trầm hương tại Bình Phước, với số lượng trên 55 ngàn cây dó bầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá, chỉ có 22 ngàn cây cho ra trầm. Lý giải về điều này, anh Giang cho rằng, việc tạo ra trầm là cả một quá trình gian nan, phụ thuộc vào cây giống, khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như công nghệ cấy tạo làm sao cho đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như số lượng, vị trí các vết thương trên mỗi cây phải được tính toán sao cho phù hợp.

Khai thác vườn trầm hương của bà Nguyễn Thị Định tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú

Cũng theo anh Giang, công nghệ hay phương pháp tạo trầm là yếu tố quyết định quan trọng hàng đầu tới chất lượng thành phẩm. Công ty Cổ phần trầm hương TTT đang ứng dụng công nghệ cấy men vi sinh tạo trầm. Khác hẳn với công nghệ hóa học, công nghệ cấy men vi sinh sẽ giúp cây phát triển bình thường và hình thành trầm hương theo cách tương tự như trong tự nhiên. Cây có đủ thời gian tích tụ dầu ở vết thương và tạo thành trầm hương với độ dày, mùi hương và chất lượng vượt trội.

Có kinh nghiệm chơi trầm hương lâu năm, anh Lâm Hồng Minh Dũng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Trầm hương được hình thành xuất phát từ vết thương của cây dó bầu. Hành trình tạo nên trầm hương khá đặc biệt. Tùy vào “cơ địa” của từng cây mà không phải cây dó bầu nào cũng có thể tạo ra trầm hương. Trong quá trình phát triển gặp mưa, bão hay các tác nhân ngoài tự nhiên làm thân cây bị thương, cây bị nhiễm một loại nấm mốc và tiết ra chất nhựa thơm để kháng lại sự tấn công này. Nhựa cây tiết ra một thời gian sẽ trở nên đậm đặc hơn và ăn vào các thớ gỗ xung quanh đó.

Cũng theo anh Dũng, ngày nay trầm hương được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Các sản phẩm làm từ trầm hương vô cùng đa dạng từ vòng tay trầm hương, nhang trầm hương đến tinh dầu trầm, trà… Riêng tinh dầu trầm hương chính là thước đo giá trị của nó bởi khi trầm hương càng lâu có tỷ lệ tinh dầu càng cao thì càng có giá trị. Tinh dầu trầm hương tỏa ra mùi thơm đặc biệt có tác dụng thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng mệt mỏi. Do đó, trầm hương là một trong những cây trồng khá triển vọng, đặc biệt đối với vùng đất Bình Phước.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cây trầm hương có nhiều triển vọng mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhờ thị trường tiềm năng, trong khi trầm hương thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, không phải lúc nào trồng trầm hương cũng cho ra kết quả như mong đợi. Do đó, người trồng cần lưu ý các yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cấy tạo để hướng tới sản xuất trầm theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Địa Long

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang