• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Chuyện vui - buồn ở ‘thủ phủ’ sa nhân Nậm Chảy

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 04/06/2023
Ngày cập nhật: 6/6/2023

Trong vài năm gần đây, sa nhân được coi là cây giúp “xóa đói, giảm nghèo” đối với nhiều hộ ở xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai). Tuy nhiên thời gian qua, cây sa nhân liên tục mất mùa, mất giá khiến nhiều hộ phải chặt bỏ dù còn “nặng lòng” hy vọng.

Một thời hoàng kim

Được đánh giá là cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống nên trong một thời gian ngắn, cây sa nhân đã tạo nên “cơn sốt” đối với người dân huyện Mường Khương, tổng diện tích lên đến gần 1.368 ha, được trồng tại 16/16 xã, thị trấn, trong đó diện tích thu hoạch năm 2022 là 1.100 ha, năng suất trung bình 1,5 tấn/ha, sản lượng đạt 1.650 tấn, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, giá trị sản lượng ước đạt 74,25 tỷ đồng.

Xã Nậm Chảy được coi là địa phương đi đầu trong phát triển cây sa nhân hàng hóa của huyện. Được trồng trên diện rộng từ năm 2015, cây sa nhân nhanh chóng giúp nhiều hộ ở Nậm Chảy thoát nghèo và đến năm 2018 thì nơi đây được coi là “thủ phủ” của cây dược liệu này.

Theo nhiều hộ trồng, khi sa nhân được giá, 1 kg quả tươi có giá tới 250.000 đồng. Người dân Nậm Chảy cũng vì thế mà bảo nhau trồng. Nhiều diện tích rừng sản xuất, nương ngô được chuyển sang trồng sa nhân. Nhất là thời điểm quả sa nhân được giá, bất kỳ khoảng trống nào từ đồi cao, nương ngô đến ven bờ suối cũng thấy cây trồng này. Đến năm 2016, toàn bộ 11 thôn của xã trồng cây sa nhân và năm 2018 là thời điểm “hoàng kim” nhất của cây sa nhân tại xã, diện tích đạt gần 500 ha. Khi ấy, ai cũng nghĩ cây sa nhân sẽ mang lại lợi ích kép, có nhiều triển vọng và cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ thậm chí đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống lò sấy bằng than để chủ động bảo quản quả.

Niềm vui… chẳng tày gang

Tưởng rằng cây sa nhân sẽ là hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân Nậm Chảy, nhưng khi người trồng sa nhân đang mải mê “ôm mộng” đổi đời thì thị trường bị “dội gáo nước lạnh”. Từ cuối năm 2019, thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế thu mua, có thời điểm dừng mua. Vụ sa nhân trong 2 năm qua có giá quả tươi chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá những năm trước.

Theo một số tiểu thương thu mua sa nhân, trước kia quả sa nhân được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới hình thức kinh doanh biên mậu, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, phía Trung Quốc tăng cường quản lý xuất - nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, đồng thời thực hiện chặt chẽ truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản Việt Nam. Trong khi đó, quả sa nhân chưa có trong danh mục nông sản Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nên không thể làm thủ tục xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn. Còn nếu xuất qua nước thứ 3 rồi đưa vào thị trường Trung Quốc thì chi phí trung gian cho việc bảo quản, chuyển tải, giao dịch tăng nhiều, khiến lợi nhuận giảm.

Đến các thôn của xã Nậm Chảy, phóng viên ghi nhận, do đầu ra cho quả sa nhân khó nên việc chăm sóc cây sa nhân không còn được quan tâm như trước, cây chủ yếu sống nhờ “nước trời”. Thậm chí tại nhiều nơi, cây sa nhân đã bị người dân chặt bỏ, đốt hàng loạt. Một số hộ vay vốn mua giống trồng cây sa nhân nay rơi vào thế mắc kẹt: Để thì mất công chăm mà chặt đi thì tiếc.

Mặc dù là người trồng cây sa nhân lâu năm tại địa phương nhưng anh Lèng Sử Hòa (thôn Lùng Phìn A) cũng không biết vì lý do gì mà vài năm nay vườn sa nhân không đậu quả như trước. Ngoài ra, giá sa nhân thấp nên gia đình anh quyết định phá bỏ phần lớn để trồng cây khác. Anh Hòa cho biết: Từ năm 2017, gia đình tôi trồng hơn 2 ha sa nhân, thu nhập mỗi vụ hơn 100 triệu đồng. Nhưng 2 năm gần đây giá thấp, chỉ được 25.000 đồng/kg nên tôi đã chặt bỏ và chuyển sang trồng cây khác như ngô, chuối.

Gia đình anh Tẩn Si Phủ ở thôn Sảng Lùng Phìn cũng đứng ngồi không yên. Anh dẫn chúng tôi đi thăm vườn sa nhân mà chỉ cách đây 2 năm từng mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Anh rầu rĩ bảo năm nay nắng hạn kéo dài, cây sa nhân ra rất ít hoa, báo trước một vụ mùa thất thu. “Cây đậu quả ít, giá bán tụt thảm hại. Nếu thời gian tới cây sa nhân không còn hiệu quả, tôi đành phải chặt bỏ và chuyển sang trồng ngô”, anh Phủ nói.

Cơ sở sấy quả sa nhân tại xã Nậm Chảy được đầu tư xây dựng với số vốn hàng trăm triệu đồng có nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Trao đổi với phóng viên, ông Cư Thọ, Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết: Ngay từ khi cây sa nhân du nhập về địa phương, chúng tôi đã xác định đây là loại cây trồng có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Đặc biệt, hiện nay loại quả này chưa có trong danh mục xuất khẩu sang Trung Quốc nên đầu ra bấp bênh. Vì vậy, chính quyền xã không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Tới đây, xã tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi dần diện tích sang trồng cây khác để tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Sau một thời gian gắn bó với cây sa nhân, nhiều hộ như gia đình anh Hòa, anh Phủ ở xã Nậm Chảy bắt đầu chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác. Đây là bài học cần được người dân và chính quyền địa phương rút ra để tránh điệp khúc “trồng rồi chặt”. Thực tế đã chứng minh khi một cây trồng mới xuất hiện mà không có sự kiểm chứng về sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường tiêu thụ… để phát triển bền vững thì chỉ có lợi trước mắt và một số ít người được lợi nhờ bán cây giống, còn đa phần những người theo sau sẽ thua trắng.

Phạm Vũ Sơn - Lê Nam

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang