• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triệu phú vươn lên từ nghèo khó

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên, 05/06/2023
Ngày cập nhật: 7/6/2023

Không để cái đói, cái nghèo đeo đuổi mãi, vợ chồng chị Trần Thị Nghĩa, sinh năm 1981, dân tộc Sán Dìu, ở xóm Nam Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ dám nghĩ, dám làm, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhằm tiết kiệm sức lao động, vừa qua, gia đình chị Trần Thị Nghĩa đã đầu tư trên 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho vườn ổi và sả.

Từ năm 2016 trở về trước, gia đình chị Trần Thị Nghĩa luôn nằm trong danh sách hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vợ chồng chị đã nỗ lực xoay đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng cũng chỉ đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, chị Nghĩa luôn trăn trở với câu hỏi: Tại sao vợ chồng còn trẻ, có sức khỏe mà vẫn nghèo?

Từ những trăn trở đó, vợ chồng chị đã đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế của các hộ dân trong vùng để học hỏi. Sau đó, vợ chồng chị quyết định bán con trâu, “đầu cơ nghiệp” của gia đình, để lấy vốn làm ăn. Số tiền bán trâu, gia đình dành để trả nợ, còn lại 10 triệu đồng, chị Nghĩa đầu tư chuồng trại và mua 500 con vịt về nuôi.

Ngay lứa vịt đầu tiên, gia đình chị thu lãi 20 triệu đồng. Những lứa tiếp theo, vợ chồng chị tăng dần số lượng đàn vịt, lứa cao nhất nuôi đến 3.000 con. Mô hình nuôi vịt đã đem về thu nhập trên 100 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên. Nhờ đó, cuối năm 2017, gia đình chị Nghĩa đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Những năm tiếp theo, gia đình chị Nghĩa kết hợp giữa nuôi vịt và nuôi gà thả vườn, với tổng đàn khoảng 4.000 con/lứa. Mô hình chăn nuôi này được chị Nghĩa duy trì từ năm 2017 đến năm 2020, mang về thu nhập trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/năm.

Nhiều năm chăn nuôi, cứ tiết kiệm được ít vốn nào, vợ chồng chị Nghĩa đầu tư mua lại đất sản xuất của các hộ dân trong xóm. Đến nay, gia đình đã có trên 3ha đất sản xuất.

Chị Nghĩa chia sẻ: Khi có đất trong tay, vợ chồng tôi quyết định chuyển hẳn từ chăn nuôi sang trồng trọt. Không giống như một số hộ chỉ chuyên canh 1 loại cây trồng, gia đình tôi trồng xen canh các loại cây. Hiện, gia đình tôi có 1.300 cây bưởi, 1.800 cây ổi, 2,5ha trồng sả và hơn 1 mẫu Sâm bố chính. Ngoài cây bưởi năm nay bắt đầu cho thu hoạch, thì cây sả và cây ổi mỗi năm đem về cho gia đình thu nhập trên 400 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Nghĩa còn tích cực giúp đỡ bà con nông dân có nhu cầu trồng cây sả về giống, kinh nghiệm chăm sóc, đầu ra. Đến nay, cả xóm Nam Quán có trên 100 hộ dân, thì gần như nhà nào cũng trồng sả, với tổng diện tích khoảng 30ha.

Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa, cho biết: So với các loại cây trồng khác, cây sả dễ trồng, dễ chăm sóc, lại có thể tận dụng được nhiều diện tích đất trống. Trồng lứa đầu tiên sau 5- 6 tháng là được thu hoạch, duy trì gốc thu hoạch 2 -3 vụ/năm và sau 3 năm mới phải trồng lại. Bình quân 1ha sả cho thu hoạch 20 tấn củ/lứa, sau khi trừ chi phí, người dân thu nhập 70-80 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả cây sả đem lại, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động người dân ở các xóm khác chuyển đổi những diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng sả. Qua đó, tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn để ký kết với các nhà máy sản xuất tinh dầu sả.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nghĩa không chỉ mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Đã làm việc 4 năm tại gia đình chị Nghĩa, anh Nguyễn Văn Bảo nói: Ngoài 4 triệu đồng hằng tháng, chúng tôi còn được nuôi ăn ở ngay tại gia đình. Công việc của tôi là bọc nilon cho quả ổi, cắt sả cho khách hàng. Hôm làm, hôm nghỉ nên công việc hằng ngày cũng không quá vất vả.

Những thành quả có được hôm nay là nhờ sự quyết tâm của chị Nghĩa và gia đình. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình chị đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được ô tô và nhiều thiết bị sinh hoạt hiện đại khác. Nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của gia đình chị cũng được các cấp huyện, xã ghi nhận. Nhiều năm liền, gia đình chị luôn nằm trong danh sách hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Vũ Công

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang