• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sống chung với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 16/03/2023
Ngày cập nhật: 23/3/2023

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) - sự thay đổi này đánh dấu những nỗ lực của chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong cuộc chiến bảo vệ đất, bảo vệ người, bảo vệ sản xuất… trước thiên nhiên.

Mùa khô thì hạn hán, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất; mùa mưa lại ngập úng, sạt lở bờ biển, bờ sông và cả triều cường dâng cao…, những ảnh hưởng liên tục của BÐKH đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Thay vì phòng tránh thì hiện nay con người chuyển sang chủ động thích ứng, sự chủ động này dễ dàng nhận thấy nhất trong sản xuất nông nghiệp.

Rút kinh nghiệm 2 đợt hạn hán lịch sử mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020 gây thiệt hại nghiêm trọng cho tôm nuôi do độ mặn tăng cao, năm nay gia đình anh Trương Hoàng Ða, ấp Hiệp Bình, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, đã chủ động cải tạo ao tôm công nghiệp và thả tôm đúng theo lịch thời vụ được cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Ðến thời điểm hiện tại, khi bước vào cao điểm mùa khô, gia đình anh cũng đã thu hoạch vụ mùa xong. Anh cho biết, sau 90 ngày nuôi, ao tôm gần 1.000 m2 cho sản lượng gần 6 tấn với kích cỡ tôm 45 con/kg. “Trong suốt quá trình nuôi, thời tiết thuận lợi nên chi phí đầu tư khá thấp, từ đó lợi nhuận đạt khá”, anh Ða chia sẻ.

Nhờ chủ động và tuân thủ lịch thời vụ mà vụ nuôi tôm vừa qua ao tôm gần 1.000 m2 của anh Trương Hoàng Ða cho thu hoạch gần 6 tấn.

Hiện nay, về các vùng nông thôn không khó để bắt gặp hình ảnh những ao nước rộng từ 1.000-2.000 m2. Ðây là nơi để người dân trữ nước ngọt trong mùa mưa phục vụ sản xuất và cả sinh hoạt khi bước vào mùa khô. Không chỉ được xem là giải pháp để thích ứng trong mùa khô, mà những ao này còn giúp người dân cải thiện bữa ăn hàng ngày, thậm chí tăng thu nhập từ việc nuôi cá đồng.

Chủ động thích ứng trước thiên nhiên ngày càng trở nên khắc nghiệt, là câu chuyện dễ nhận thấy nhất khi trở lại tuyến đê biển Tây. Ðể ứng phó với tình trạng sạt lở, bảo vệ đất, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và bảo vệ sản xuất, tài sản của người dân bên trong nội đồng, nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp công trình lẫn phi công trình. Trong đó, kè ly tâm tạo bãi để bảo vệ và phát triển đai rừng phòng hộ là một giải pháp được tỉnh thí điểm đầu tiên. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá, cho đến nay, đây là phương pháp chống xói lở bờ biển hiệu quả nhất, không những thế mà còn giữ phù sa, tạo bãi bồi khôi phục rừng phòng hộ.

Ðược triển khai thí điểm từ những năm 2010 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã xây dựng được hơn 53 km gồm các loại: kè ly tâm, kè đê trụ rỗng, kè cấu kiện bằng bê tông cốt phi kim loại… từ đó khôi phục được hơn 300 ha rừng. Ngoài ra, tuyến đê biển Tây của tỉnh đi qua địa bàn các huyện Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời được đầu tư cơ bản hoàn thiện với tổng chiều dài 56 km. Những nỗ lực này thời gian qua đã góp phần bảo vệ cho vùng sản xuất diện tích 128.972 ha phía trong đê với khoảng 26.160 hộ dân sinh sống trước những tác động của thời tiết, thiên tai.

Xác định kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là khu vực đảm bảo cuộc sống, sự phát triển của hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 28-CTr/TU về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đặt ra là đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt 5%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/ha; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1.300 triệu USD…

Tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng nhìn một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn… Trong khi đó, BÐKH diễn biến phức tạp, khó lường, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn. Từ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ là lĩnh vực thường xuyên bị tác động bởi BÐKH, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường nước,…

"Ðể đạt được những mục tiêu mà Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã đề ra trong điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn thách thức, thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục tranh thủ và lồng ghép nhiều nguồn vốn để tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng thuỷ lợi; khép kín tiểu vùng kết hợp bố trí lại sản xuất, trên cơ sở đó tiến hành khoanh ô thuỷ lợi kết hợp đầu tư trạm bơm để chủ động điều tiết nước, chủ động mùa vụ, tránh thiếu nước cuối vụ, tránh xảy ra xung đột tại các tiểu vùng. Ðầu tư nâng cấp các tuyến đê biển Tây, các tuyến đê sông để bảo vệ sản xuất vùng nội địa. Xây dựng kế hoạch, các giải pháp chủ động phòng ngừa, kiểm soát an toàn thiên tai, kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra", ông Nam cho biết thêm./.

Nguyễn Phú

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang