• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chủ động ứng phó các đợt triều cường cuối năm 2023

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 05/12/2023
Ngày cập nhật: 5/12/2023

Ngập lụt do triều cường là một loại thiên tai nguy hiểm, có thể gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Sóc Trăng, các địa phương có địa hình thấp trũng và ven sông, khi xảy ra triều cường sẽ dẫn đến tình trạng sạt lở bờ đê, bờ bao làm thiệt hại cây trồng, vật nuôi. Để ứng phó triều cường, hằng năm các địa phương ven sông và địa phương có địa hình thấp trũng, như: Cù Lao Dung, Kế Sách và Mỹ Tú đã chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó, nhằm giảm thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Huyện Cù Lao Dung là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều biển Đông với chế độ bán nhật triều, mặn truyền vào trong nội đồng theo cửa Định An và cửa biển Trần Đề kết hợp với chế độ dòng chảy sông Hậu. Đặc biệt vào mùa lũ khi lũ cao tràn về kết hợp triều cường, mực nước dâng cao tràn vào nội đồng làm sạt lở bờ bao, công trình chống lũ lụt, phá hoại mùa màng. Trước tác động của triều cường xảy ra hằng năm, nhằm chủ động ứng phó, ngay từ đầu năm, huyện Cù Lao Dung đã triển khai các giải pháp ứng phó như: tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tự bồi trúc bờ bao, bọng của người dân. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể đã vận động người dân trong huyện chăm sóc, thu hoạch nông sản, thủy sản an toàn trong các thời điểm triều cường để đảm bảo giảm thiệt hại thấp nhất khi có tình huống xảy ra. Khuyến cáo người dân, khi điều kiện chưa đảm bảo thì hạn chế xuống giống và khi nông sản có thể thu hoạch được thì khẩn trương thu hoạch để tránh triều cường. Gia cố bảo vệ các tuyến lộ giao thông nông thôn đoạn qua nhà, đất ở mỗi hộ dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Đối với công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại trong và sau đợt triều cường, huyện chuẩn bị điều kiện theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong phụ trách địa bàn các xã, thị trấn thực hiện công tác chỉ huy tại chỗ từ giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có triều cường xảy ra, theo phương châm “bốn tại chỗ”, “3 sẵn sàng” và trực ban 24/24 giờ. Ngoài ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp nhận thông tin dự báo về tình hình triều cường của các kênh truyền thông chính thống để phát thông tin đến người dân, để hộ dân kịp thời chủ động ứng phó”.

“Cùng với đó, huyện chỉ đạo tại các xã, thị trấn củng cố và thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai và huyện giao các xã, thị trấn có giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tự khắc phục khi có sự cố vỡ, tràn bờ đê, bờ bao do triều cường gây ra. Đối với các điểm tràn, vỡ vượt khả năng của địa phương mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trên diện rộng, huyện sẽ hỗ trợ xử lý. Các xã, thị trấn chủ động rà soát, kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao, bờ bao xung yếu trên địa bàn và rà soát phương án ứng phó hiệu quả với các đợt triều cường trong năm. Tổ chức tuyên truyền các xã, thị trấn, phổ biến rộng rãi trong người dân về việc gia cố các đoạn đê bao, bờ bao xung yếu. Tổ chức trực 24/24 giờ, nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra....”, đồng chí Nguyễn Văn Đắc chia sẻ thêm.

Tương tự như huyện Cù Lao Dung, huyện Kế Sách cũng là địa phương nằm ven sông Hậu và là huyện có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Do đó, khi triều cường xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp và đi lại của người dân. Theo đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, các đợt triều cường thường xuất hiện trên địa bàn huyện vào những tháng cuối năm và có thể kéo dài sang các tháng đầu năm sau. Để ứng phó triều cường, hằng năm huyện sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các tuyến đê cồn, bờ bao để gia cố, bảo vệ sản xuất, tổ chức thống kê di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tuyên truyền, vận động người dân sống gần những khu vực có nguy cơ cao cần chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó. Tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nạo vét, kết hợp nâng cấp bờ bao trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do triều cường gây ra, nhất là đối với vùng trũng và địa phương có các đê cồn. Đồng thời, đối với các xã vùng ven sông Hậu, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng tại chỗ sẵn sàng khắc phục sự cố vỡ đê bao, công trình công cộng, nhà cửa người dân do triều cường xảy ra…

“Triều cường thường xuất hiện từ tháng 10 âm lịch và kéo dài đến tháng 1 âm lịch năm sau. Triều cường xảy ra 2 đợt trong tháng, đợt 1 từ ngày 15 và đợt 2 vào ngày cuối tháng (đợt triều cường kéo dài từ 1 - 3 ngày). Khi triều cường xảy ra, đối với các địa phương không có bờ bao sẽ ảnh hưởng đến canh tác lúa, cây ăn trái, rau màu và việc đi lại của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn vùng thấp trũng như: Hưng Phú, Long Hưng, Mỹ Tú, Mỹ Phước, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và một phần xã Mỹ Thuận. Vì vậy, để giảm thấp nhất thiệt hại do triều cường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, huyện Mỹ Tú đã và đang tăng cường công tác gia cố bờ bao tại các khu vực xung yếu; đẩy nhanh tiến độ các công trình ứng phó triều cường; quản lý tốt khu vực có bờ bao khép kín; vận hành hệ thống cống để điều tiết nước thật tốt. Khuyến khích người dân trồng trọt, chăn nuôi thích ứng với những tháng mùa nước nổi kết hợp triều cường, nhằm đảm bảo mùa vụ có lợi nhuận tốt…”, đồng chí Nguyễn Hoàng Cơ - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú thông tin.

Bên cạnh sự chủ động, tích cực, cơ quan chức năng và người dân cần chú ý theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo của ngành khí tượng thủy văn, mỗi người, mỗi đơn vị dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để có kế hoạch ứng phó hiệu quả.

THÚY LIỄU

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang