Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 18/04/2023
Ngày cập nhật:
19/4/2023
Ngành tôm nước ta đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt hộ dân, doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và đối mặt nhiều thách thức. Ðiều này, đòi hỏi tất cả các bên trong chuỗi giá trị ngành hàng phải vào cuộc khắc phục các khó khăn, hạn chế để nâng tầm chuỗi giá trị và đưa ngành tôm phát triển bền vững.
Tôm giống được trưng bày, giới thiệu tại VietShrimp 2023.
Ngành tôm có nhiều đóng góp
Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nuôi tôm, nhất là đối với con tôm nước lợ do có nhiều tỉnh, thành nằm giáp biển. Những năm qua, ngành tôm nước ta đã liên tục đạt được tăng trưởng tốt cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Trong giai đoạn từ năm 2010-2022, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn ở mức cao, với từ 36,8-50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, diện tích nuôi tôm thương phẩm của cả nước đạt 747.000ha, trong đó có hơn 610.000ha tôm sú và hơn 117.300ha tôm thẻ chân trắng, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Sản lượng tôm các loại đạt hơn 1,08 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm trước, gồm tôm thẻ chân trắng đạt 743.500 tấn, tôm sú 271.400 tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu trong năm qua đạt 4,3 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm trước. Tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2023, diện tích nuôi tôm của nước ta dự kiến đạt 750.000ha và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,3 tỉ USD.
Không chỉ duy trì được diện tích, sản lượng nuôi ở mức cao mà ngành tôm Việt Nam còn đạt được trình độ chế biến cao, sản phẩm đa dạng và được đánh giá tốt về chất lượng. Nhiều doanh nghiệp, hộ dân đã ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, cũng như chủ động áp dụng các mô hình nuôi tôm thích ứng với BÐKH. Tuy vậy, ngành tôm nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức liên quan đế các vấn đề chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, vùng nuôi, cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm tại nhiều nơi chưa đồng bộ. Ðặc biệt, giá thành sản xuất tôm ở nước ta còn cao hơn so với nhiều nước, trong khi tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador và tôm Ấn Ðộ trên thị trường thương mại toàn cầu. Người dân còn nuôi tôm dạng nhỏ lẻ và tự phát, thiếu liên kết chặt chẽ với các bên liên quan và còn gặp khó về vốn, về tiếp cận công nghệ mới và các loại vật tư đầu vào với mức giá phù hợp. Công tác đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm còn chậm. Tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo các tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp.
Giải pháp đồng bộ
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy nâng tầm chuỗi giá trị con tôm, Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam vừa phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2023 (VietShrimp 2023) tại TP Cần Thơ từ ngày 12 đến 14-4-2023. Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và thành tựu phát triển ngành tôm, các thiết bị, công nghệ, con giống, thức ăn... phục vụ nuôi tôm, hội chợ còn diễn ra nhiều hội thảo, với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp. Nhiều đại biểu cho rằng, ngành tôm nước ta còn có tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, trở thành cường quốc sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm số 1 thế giới. Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành tôm cần kịp thời vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất. Quan tâm tăng cường các mối liên kết trong chuỗi, chú trọng lựa chọn mô hình, công nghệ nuôi phù hợp từng vùng gắn với kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn, nước cho ao nuôi và kiểm soát chất thải, mầm bệnh và các tác nhân gây hại. Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, các địa phương và các bên có liên quan cần quan tâm làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tập trung, phòng bệnh cho tôm và quản lý giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất có chứng nhận chất lượng, an toàn và hạ giá thành để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tích cực phối hợp, xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng: "Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, cũng như so với Ecuador và Ấn Ðộ. Nguyên nhân chính là vì tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam còn thấp, dưới 40%, trong khi tỷ lệ nuôi thành công tại nhiều nước ở nước từ 60-90% trở lên, do vậy chúng ta cần nâng tỷ lệ nuôi thành công lên". Theo ông Quang, cần nâng cao chất lượng con giống, giúp chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường từng vùng. Xây dựng các quy trình nuôi tôm tối ưu, giá thành thấp cho từng mô hình như tôm rừng, tôm quảng canh, bán thâm canh, tôm - lúa, tôm thâm canh… Quan tâm chuyển từ các phương pháp nuôi tôm tốn nhiều chi phí để tối ưu hóa sản lượng sang phương pháp nuôi chi phí thấp, mật độ nuôi vừa phải, sản lượng ổn định, bền vững, vừa sức tải của môi trường.
Tới đây, các cơ quan chức năng Nhà nước cũng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho phát triển ngành tôm theo hướng hiệu quả, bền vững, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết, tối ưu chi phí. Theo ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), người dân và các doanh nghiêp cần phát triển các mô hình sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đặc thù (như tôm rừng, tôm lúa…). Chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.