Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 17/07/2023
Ngày cập nhật:
18/7/2023
Năm 2022, xuất khẩu tôm của nước ta lập kỷ lục với kim ngạch đạt 4,3 tỉ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng của năm 2023, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn do những biến động bất lợi của thị trường. Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu tôm sụt giảm chỉ là khó khăn nhất thời. Ðiều quan trọng cần xem xét một cách toàn diện là giải pháp về lâu, về dài để ngành tôm phát triển bền vững trong tương lai khi mà giá thành sản xuất tôm Việt Nam đang quá cao, trong khi các đối thủ ngày càng củng cố tiềm lực và nâng dần lợi thế cạnh tranh.
Thu hoạch tôm tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Nhận diện thực tiễn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6-2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 341 triệu USD, mức cao nhất từ đầu năm tới nay, nhưng vẫn giảm 18% so với tháng 6-2022. Lũy kế 6 tháng của năm 2023, xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỉ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi hai yếu tố chính: lạm phát và tồn kho. Bên cạnh những khó khăn do nhu cầu thị trường giảm, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm bị sụt giảm lợi nhuận vì giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho càng khiến cho chi phí đội lên…
Ngoài những khó khăn trước mắt, xuất khẩu tôm của nước ta còn đối mặt với những bất cập nội tại cần sớm tháo gỡ. Có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với con tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: So với các đối thủ cạnh tranh, hiện giá thành sản xuất tôm nguyên liệu size 50-60 con của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 USD/kg, Ấn Ðộ là 3,4-3,8 USD/kg trong khi Việt Nam lên đến 4,8-5 USD/kg. Mặt khác, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam bình quân đạt dưới 40%, trong khi ở Ecuador là trên 90%, Ấn Ðộ hơn 60%. Ecuador chọn cách nuôi tôm kháng bệnh, vừa sức tải của môi trường với mật độ thấp (30-50 con/m2) nên tỷ lệ thành công cao. Mặt khác, việc nuôi thưa không chỉ làm tôm có chất lượng cao mà còn giảm lượng thức ăn, gần như không dùng kháng sinh, dẫn đến giá thành sản xuất thấp.
Là một trong những địa phương trọng điểm sản xuất, chế biến tôm của vùng ÐBSCL, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, thông tin: Bạc Liêu hiện có 25 công ty và trên 800 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích trên 4.600ha và 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, việc phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh cũng đặt ra vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường. Ðặc thù lĩnh vực thủy sản là phụ thuộc nguồn nước nên nếu vấn đề xả thải ra môi trường không được giải quyết sẽ là vấn đề lớn trong tương lai. Vì vậy, nuôi tôm công nghệ cao thời gian tới phải hướng đến hiệu quả bền vững cả về kinh tế và môi trường.
Giải pháp nào cho ngành tôm?
Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: "Xuất khẩu tôm có dấu hiệu suy thoái từ tháng 8 năm ngoái. Ban đầu chúng tôi dự báo tình hình sẽ cải thiện trong quý I-2023 nhưng thực tế kéo dài đến quý II-2023 vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, quá trình theo dõi cho thấy, từ tháng 3 đến nay, xuất khẩu tôm bắt đầu có sự chuyển biến, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ðây là thị trường Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm giá trị gia tăng. Bước sang quý III-2023, dự báo xuất khẩu tôm sang Mỹ và các thị trường khác (EU, Trung Quốc…) sẽ tiếp tục có bước khởi sắc do nhu cầu tăng cao vào dịp Noel, Tết…".
Ðồng quan điểm trên, ông Trần Ðình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, khó khăn hiện nay chỉ mang tính tức thời, doanh nghiệp, người nuôi không nên hoảng loạn mà hãy bình tĩnh đánh giá cụ thể tình hình. "Một thực tế là các bên tham gia chuỗi giá trị ngành tôm bao lâu nay vẫn chưa sẵn sàng ngồi lại với nhau. Trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, câu chuyện liên kết để cùng chia sẻ rủi ro là cần thiết hơn bao giờ hết. Có ngồi lại với nhau thì người nuôi mới giảm được các khâu trung gian trong tiếp cận nguồn thức ăn, thuốc với giá hợp lý để giảm giá thành. Ðây cũng là hướng đi tất yếu tiến tới xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho con tôm Việt" - ông Trần Ðình Luân nói.
Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh: "Chúng ta hãy dừng tham của mình lại: muốn tôm lớn thật nhanh, nuôi mật độ cao để thu được nhiều lợi nhuận. Chúng ta nghĩ có thể giải quyết các yếu tố mang tính quy luật tự nhiên nhưng điều đó là không thể. Thực tế Minh Phú cũng đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức cho việc này nhưng vẫn không làm được. Và hiện tại, tôi cho rằng, bà con nên giảm mật độ nuôi. Khi giảm mật độ sẽ giúp giảm rủi ro và áp lực lên môi trường từ đó giảm giá thành. Khi giá thành nuôi tôm của Việt Nam bằng với Ecuador, người nuôi đảm bảo sẽ có lợi nhuận từ 30%, doanh nghiệp chế biến có lợi nhuận từ 20%".
Ðể ngành tôm phát triển bền vững, yêu cầu đặt ra là phải hài hòa yếu tố lợi ích kinh tế và môi trường, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Hiện Hợp tác xã đang thí điểm 2 thành viên triển khai mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước. Mô hình triển khai theo hình thức một ao nuôi, một ao để trống. Mỗi ngày chúng tôi xả nước từ ao nuôi qua ao trống. Ở ao này, chúng tôi sẽ xử lý khí độc, tảo rồi mới xả nước trở lại ao nuôi. Mô hình đánh giá thành công bước đầu vì giảm áp lực xả thải ra môi trường, tôm sống khỏe và có nhiều tiềm năng nhân rộng. Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách bán bảo hiểm để giảm rủi ro cho người nuôi tôm, đặc biệt là các hợp tác xã. Theo đó, các hợp tác xã tham gia bảo hiểm phải được ứng dụng công nghệ cao, số hóa để đảm bảo sự công bằng, minh bạch".
Bài, ảnh: MỸ THANH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.