• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Nai: Huyện Cẩm Mỹ nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 30/11/2023
Ngày cập nhật: 5/12/2023

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 – 2025. Cẩm Mỹ là huyện vùng sâu nhưng sớm triển khai các mô hình NNHC với nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ như: hồ tiêu, sầu riêng, lúa.

Đây cũng là địa phương triển khai tốt các chính sách ưu đãi về phát triển NNHC nên thu hút được doanh nghiệp về đầu tư, hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến bao tiêu cho nông sản hữu cơ.

Đi tiên phong sản xuất hữu cơ

Đến nay, H.Cẩm Mỹ đã xây dựng được 4 mô hình sản xuất NNHC. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Sông Ray; mô hình sản xuất sầu riêng tại xã Xuân Quế; mô hình sản xuất hồ tiêu tại xã Lâm San và mô hình sản xuất sầu riêng tại xã Xuân Bảo. Trong đó, có 2 mô hình với 5,5ha trồng tiêu và sầu riêng được cấp chứng nhận hữu cơ gồm: 2,5ha tiêu tại Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San và 3,3ha sầu riêng tại xã Xuân Quế. Đây đều là những mô hình đầu tiên của tỉnh về sản phẩm hồ tiêu và sầu riêng được cấp chứng nhận hữu cơ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San Trương Đình Bá cũng là nông dân đi tiên phong làm tiêu hữu cơ tại địa phương cho biết, hiện chỉ mới có hơn 2ha tiêu của gia đình ông được cấp chứng nhận hữu cơ nhưng thực tế diện tích sản xuất theo đúng quy trình hữu cơ lớn hơn nhiều. Cụ thể, tổ hợp tác hồ tiêu hữu cơ ấp 4, xã Lâm San đã áp dụng sản xuất hữu cơ được 3 vụ với diện tích gần 18ha với 15 hộ nông dân tham gia. Trong đó, qua khảo sát, có 1 hộ với diện tích 2,2ha đủ điều kiện chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu trong năm 2023. Hiện địa phương đang tiến hành hỗ trợ nông dân thực hiện các chỉ tiêu quy định của tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.

Vườn sầu riêng rộng 3,3ha của ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế cũng vừa được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ trong năm 2023. Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ, thời gian đầu khi chuyển đổi sang sản xuất theo quy chuẩn hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu tư tăng, sản lượng sầu riêng giảm khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, về lâu dài sản xuất hữu cơ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như: Đất đai ngày càng màu mỡ, cây trồng khỏe nên không chỉ năng suất hồi phục mà sức bền, tuổi thọ của cây trồng cũng tăng lên. Đặc biệt là sức khỏe của người trồng và người tiêu dùng được bảo vệ.

Mô hình trồng sầu riêng hữu cơ tại xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ.

Hình thành chuỗi liên kết

Lợi thế của H.Cẩm Mỹ trong đầu tư phát triển NNHC còn là thu hút được hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ các mô hình điểm hiệu quả đã thuyết phục nông dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia. Cụ thể, vùng sản xuất lúa tập trung tại xã Sông Ray với diện tích 400ha đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa tập đã tổ chức được 4 vụ với 5,5ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ. Vùng sản xuất sầu riêng chuyên canh với diện tích trên 1 ngàn ha tại các xã Nhân Nghĩa, Xuân Bảo, Bảo Bình, Long Giao, Xuân Quế đã có hơn 144ha sản xuất theo chuẩn VietGAP; có 13 vùng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Vùng sản xuất hồ tiêu tập trung với diện tích hơn 2 ngàn ha tập trung tại xã Sông Ray, Lâm San. Trong đó, có 2,5ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ, 13,5ha được cấp chứng nhận GlobalGAP và đang triển khai nhân rộng gần 18ha tiêu chuẩn hữu cơ.

Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) đã triển khai mô hình thí điểm trồng lúa hữu cơ tại xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ. Doanh nghiệp này có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân như: hỗ trợ 50% vật tư đầu vào, cử cán bộ hướng dẫn quy trình sản xuất và đảm bảo đầu ra…

Bà Đoàn Thị Như, nông dân tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Sông Ray cho hay, tham gia mô hình thí điểm này, nông dân được doanh nghiệp hướng dẫn ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ chuyển đổi thành phân bón hữu cơ góp phần tiết kiệm được phần nào tiền mua phân bón. Trồng lúa hữu cơ tốn công lao động, năng suất lúa có thấp hơn với canh tác truyền thống nhưng mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Làm ra gạo chất lượng ngon, an toàn, không gây ô nhiễm môi trường và nhất là bảo vệ sức khỏe cho nông dân. Gạo hữu cơ bán được với giá tốt hơn nên lợi nhuận của nông dân vẫn được đảm bảo.

Ông Trần Quang Hiệp cho biết thêm, từ mô hình 3,3ha sầu riêng được cấp chứng nhận hữu cơ, nhiều thành viên của tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế với diện tích khoảng 60ha đang dần chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ vì được thuyết phục từ hiệu quả thực tế. Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế được địa phương chọn làm mô hình điểm vùng chuyên canh đạt chuẩn hữu cơ; được hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận hữu cơ.

Song Lê

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang