• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bạn trẻ trồng sầu riêng hạ ngọn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 24/11/2023
Ngày cập nhật: 1/12/2023

Một nông dân còn rất trẻ nhưng đã gắn bó với cây sầu riêng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng loại cây này mang lại thu nhập tốt. Những điển hình nông dân trẻ đang mang lại sức sống cho vườn quê, sống tốt bằng sản xuất nông nghiệp.

Trần Văn Duy và trái sầu riêng cuối vụ

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Trần Văn Duy được thu sầu riêng vụ chính thức. Bởi năm 2022, vườn sầu riêng mới chỉ bói lác đác ít trái, hầu hết Duy đều ngắt bỏ để tập trung dinh dưỡng nuôi bộ rễ thật khoẻ, nuôi vòm lá thật xanh. Vì vậy mùa vụ 2023, dù vừa thu hoạch xong, vườn sầu riêng vẫn mạnh mẽ, chuẩn bị cho đợt phun đọt, trổ lá đón một mùa hoa mới. Vườn sầu riêng nằm trên sườn đất dốc đã cho thấynhững triển vọng.

Ở tuổi 24, chàng trai trẻ Trần Văn Duy đã có kinh nghiệm 5 năm gắn bó với sầu riêng. Duy bảo, ở Thôn 6, xã Tân Lâm, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) quê bạn, hầu hết mọi gia đình vẫn trồng cà phê là cây trồng chính. Sau khi tiếp quản mảnh vườn cà phê của gia đình, Duy băn khoăn mãi với yếu tố năng suất. Vì đất vườn khá dốc, lại thiếu nước, cà phê trồng lên dù chăm rất tốt nhưng năng suất không được cao. Đi học hỏi nhiều nhà vườn, Duy mạnh dạn trục hết cà phê, xuống giống 300 cây sầu riêng Thái Monthon. Con nhà nông vốn chỉ quen với cây cà phê, nay trồng sầu riêng, Duy phải đi học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật khắp nơi, từ những nhà vườn xung quanh đến các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng, canh tác sầu riêng do Hội Nông dân, do ngành Nông nghiệp mở. Mạnh dạn, người bạn trẻ đã áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiến bộ.

Vườn sầu riêng của Trần Văn Duy, dù ở tuổi thứ 5 nhưng khá thấp, cây không cao và tán xoè rộng. Đó là do Duy đã cắt ngọn, ép cây ra tán. Duy cho biết: “Nhiều vườn sầu riêng kiểu cũ tán rất cao, lên tới 6-7 m. Nhưng vườn sầu riêng của em thì ép tán thấp để cây phát triển cành ngang, trái thường ra trên cành ngang. Và khi cây sầu riêng thấp thì thu hoạch và chăm sóc dễ. Đồng thời, vì vườn sầu riêng này trồng trên đồi dốc, gió khá lớn nên ép cây thấp sẽ giúp cây ít bị ảnh hưởng bởi gió, giảm năng suất trái”. Bởi vậy khi cây được 3 tuổi, Duy đã cắt ngọn, ép tán để không cao quá 3 m. Vì cũng là vườn dốc, Duy để cỏ mọc phủ một lớp trên mặt vườn, chỉ khi cỏ cao mới dùng máy cắt sát gốc, tủ thân cỏ vào ngay gốc, tạo một lớp hữu cơ xanh làm tăng độ mùn cho đất. Theo Duy, để lớp cỏ phủ mặt vườn giúp đất vừa mát, lại chống xói mòn, là nơi trú ẩn cho hệ vi sinh vật đa dạng, giúp bộ rễ sầu riêng khoẻ mạnh. Vườn sầu riêng được tưới tự động với béc tưới được kéo xuống tận từng gốc, giúp hạn chế việc kéo ống, vừa giảm công, giảm lượng nước sử dụng.

Trên diện tích 3 ha, Trần Văn Duy xuống giống 300 cây sầu riêng, một mật độ khá thưa. Bởi xen giữa những cây sầu riêng, Duy trồng thử nghiệm cây vú sữa Hoàng Kim, một loại cây ăn trái mới phát triển tại vùng Di Linh. Duy cho biết, bạn chọn vú sữa Hoàng Kim vì theo tìm hiểu, cây ăn trái này gần như không phải chăm sóc, không tranh chấp về ánh sáng cũng như dinh dưỡng của sầu riêng. Với những cây sầu riêng nhỏ, vú sữa Hoàng Kim có thể giúp chắn gió, giúp cây không bị ảnh hưởng đến bộ rễ. Và Duy cũng chú ý tới việc đa dạng hoá cây trồng, giảm rủi ro khi chỉ độc canh một loại cây duy nhất.

Năm 2023, dù là mùa thu bói, với 120 cây sầu riêng cho trái, Duy đã thu được 12 tấn trái với giá bán trung bình 50 ngàn đồng/kg. Theo Duy, đây là mức thu nhập rất tốt với mảnh đất dốc. Tuy vậy, bạn trẻ đang tính tới kế hoạch hợp tác để cấp đông sầu riêng. Duy nhận xét: “Bán sầu riêng tươi cũng có thu nhập tốt, được giá nhưng áp lực mùa vụ thu hoạch lớn, khi chín mà gặp lúc xuống giá thì nông dân cũng thiệt hại nhiều. Vì vậy, người thân trong gia đình Duy cũng như bà con quanh đây tính toán triển khai kho lạnh cấp đông sầu riêng. Sầu riêng cấp đông vừa kéo dài thời gian bảo quản, bán rải rác cả năm, vừa bán cho các nhà máy làm sầu riêng sấy, kem…, tiện lợi và hiệu quả hơn bán tươi”.

Ông Trần Đình Hiền - Trưởng Thôn 6, xã Tân Lâm đánh giá, Trần Văn Duy là một nông dân trẻ và rất năng động, sẵn sàng học hỏi, chuyển đổi mô hình canh tác. Vườn sầu riêng trên đất dốc của Duy là một mô hình trồng xen trái cây đẹp của vùng Tân Lâm. Người trẻ làm nông nghiệp thành công mang đến tín hiệu an bình cho vùng đất quê, nơi người nông dân sống tốt với nông nghiệp.

DIỆP QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang