• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khơi dậy tiềm năng phát triển cây ăn quả chất lượng cao

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 02/06/2023
Ngày cập nhật: 6/6/2023

Mô hình trồng quýt đường ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung quy mô lớn với các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Điều này giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả mang đặc trưng từng vùng miền.

Hiện ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, quy mô sản xuất cây ăn quả khoảng 8.000ha và đạt 10.000ha vào năm 2030.

Từng bước phát huy thế mạnh tiềm năng

Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 7.000ha cây ăn quả, diện tích này có xu hướng tăng qua từng năm. Trong đó, diện tích cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao chiếm khoảng 1.000ha như: sầu riêng, mít thái, bơ, xoài, mãng cầu, cam, bưởi da xanh, ổi, vải, nhãn, khóm... được trồng tập trung tại các huyện có vùng đất đỏ bazan màu mỡ như Sông Hinh, Tây Hòa, Sơn Hòa, một ít ở Phú Hòa và Đồng Xuân.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm 2021, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, các địa phương đã nỗ lực mở rộng diện tích quy hoạch theo từng vùng, phù hợp cho từng loại cây ăn quả; đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng khoa khọc kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm cây ăn quả của tỉnh được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và xây dựng được thương hiệu, đem lại thu nhập cho người dân.

Tại huyện Sông Hinh, những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả tăng nhanh ở các vùng đất đỏ có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp như các xã Ea Ly, Ea Bar, Ea Trol. Năm 2022, tổng diện tích ước đạt khoảng 1.705ha, tăng 150% so với năm 2016 (677ha); sản lượng 14.000 tấn. Theo ông Phạm Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, từ năm 2017 đến nay, phòng đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao tại 11 xã, thị trấn.

“Hiện diện tích trồng sầu riêng hạt lép trên địa bàn huyện trên 400ha, gồm các giống chất lượng như sầu riêng Ri 6, monthon, musaking. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hỗ trợ phát triển một số loại cây ăn quả có múi có giá trị khác gồm cam sành, cam V2, cam xoàn, bưởi da xanh, quýt đường đạt diện tích khoảng 300ha. Một số loại cây trồng khác như nhãn hương chi khoảng 20ha, mít thái 100ha, bơ 275ha, xoài cát, xoài úc 90ha và một số loại cây ăn quả khác”, ông Hải cho hay.

Tại huyện Sơn Hòa, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây truyền thống, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Ông Alê Y Bớ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Đến nay, toàn huyện đã trồng 230ha cây ăn quả. Nhiều diện tích thực hiện mô hình được đầu tư kỹ lưỡng từ cây giống, hỗ trợ hệ thống tưới, cử cán bộ đi cơ sở hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân… Từ đó hình thành các mô hình mẫu, để nông dân địa phương học tập và nhân rộng mô hình.

Xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ

Đánh giá tại buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất về tư vấn, hỗ trợ tỉnh Phú Yên phát triển vùng trồng cây ăn quả, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, diện tích các loại cây ăn quả trồng phân tán, rải rác ở các huyện, diện tích từng loại còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành hàng hóa. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu còn hạn chế; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư. Do vậy, Phú Yên đang triển khai đề án Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Phú Yên phát triển lĩnh vực này.

Tại buổi làm việc và trực tiếp đi khảo sát thực tế các mô hình cây ăn quả tại các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trên hành trình Sơn La đến thành công trong ngành Nông nghiệp như ngày nay, nhất là về lĩnh vực cây ăn quả. Đồng chí Hoàng Văn Chất cho rằng, Phú Yên cần quan tâm vấn đề chọn cây trồng phải hợp lòng dân, trồng cây gì thì phải chăm lo để phát triển theo chuỗi và đặc biệt là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu tỉnh đề ra.

Theo đề án Xây dựng vùng cây ăn quả gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, Phú Yên sẽ phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

“Đến nay, toàn tỉnh có 2 vùng trồng sầu riêng tại xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) với diện tích hơn 55ha và 1 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu là Công ty TNHH MTV Mangala HC - Chi nhánh 2 tại phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) đã được Cục Bảo vệ thực vật chấp nhận hồ sơ và đang gửi đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chờ phê duyệt, cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện ngành Nông nghiệp đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả để xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả theo chuẩn nông nghiệp sạch, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 9 sản phẩm là cây ăn quả được công nhận đạt chuẩn OCOP 3-4 sao. Sản phẩm đạt chất lượng OCOP sẽ đưa lên wesite thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để người tiêu dùng cả nước biết đến.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT: Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm trái cây để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng tập trung, bền vững. Cùng với đó, tỉnh sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất cây ăn quả.

NGỌC HÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang