• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh, 04/12/2022
Ngày cập nhật: 8/12/2022

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và phát huy bền vững giá trị các hệ sinh thái tiêu biểu. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Điểm sáng Vịnh Hạ Long

Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long có sự đa dạng cao về ĐDSH. Giá trị ĐDSH được thể hiện ở sự đa dạng về hệ sinh thái, đa dạng nguồn gen quý hiếm và đa dạng về thành phần giống loài. Trong vùng Vịnh Hạ Long tồn tại các kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới như: Hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo, hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều đáy mềm, hệ sinh thái vùng triều đáy cứng, hệ sinh thái bãi triều cát, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng - áng và hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ. Tại Vịnh Hạ Long đã thống kê được gần 3.000 loài động thực vật sống trong khu vực.

Hoa bông mộc đang được trồng, nhân rộng tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Tạ Quân

Vì vậy, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn nguyên trạng các giá trị của Vịnh Hạ Long, trong đó có giá trị về ĐDSH luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực ưu tiên phục vụ công tác bảo tồn. Theo đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn ĐDSH, thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và triển khai các chương trình, kế hoạch khảo sát, điều tra ĐDSH của Vịnh Hạ Long. Cùng với đó, triển khai các giải pháp khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có ĐDSH cao, tập trung các loài quý, hiếm, đặc hữu trên vịnh, đồng thời bảo tồn các loài thực vật quý. Riêng trong 2 năm 2020-2021, đơn vị đã trồng 1.060 cây bông mộc trên các điểm tham quan của Vịnh Hạ Long. Đồng thời, thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản, ĐDSH và xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên, giá trị ĐDSH Vịnh Hạ Long; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến ĐDSH…

Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Ban Quản lý Vịnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, tham vấn các chuyên gia, đơn vị tư xây dựng, đưa ra chiến lược quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị ĐDSH ở tầm là một tiêu chí được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (Vịnh Hạ Long hiện đang trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà”, trong đó có tiêu chí về ĐDSH - PV), xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long và đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn ĐDSH phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững Vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở này, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn các hệ sinh thái, các giống, loài và các điểm tham quan mà ít chịu tác động nhất của du lịch để đưa vào khai thác phục vụ du lịch, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng về ĐDSH của Vịnh Hạ Long song vẫn đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản.

Công nhân Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Lê Nam

Bảo tồn “kho báu”

Quảng Ninh hiện có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) được phê duyệt ở mức phân hạng cao, gồm vườn quốc gia Bái Tử Long, rừng quốc gia Yên Tử và khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Các khu bảo tồn đều có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

Trong đó, rừng quốc gia Yên Tử có các mẫu chuẩn hệ sinh thái của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam, sở hữu 206 loại động vật có xương sống với trên 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, có gần 1.000 loài thực vật bậc cao có mạch với 144 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam. Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng là một trong những khu dự trữ thiên nhiên của Việt Nam được đánh giá là khu điển hình của hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi thấp ở vùng Đông Bắc Việt Nam, sở hữu 485 loài thực vật bậc cao có mạch và 249 loài động vật, với trên 30 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu BTTN vườn quốc gia Bái Tử Long là một trong bảy vườn quốc gia ở Việt Nam vừa có diện tích trên cạn vừa có diện tích biển, sở hữu 1.195 loài động, thực vật trên cạn và 1.220 loài sinh vật biển.

Trong nhiều năm qua, xác định bảo vệ tài nguyên ĐDSH là một nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại và bền vững trong tương lai, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; nổi bật như Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”; Quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản và mới đây là Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030”... Tỉnh cũng bố trí ngân sách thỏa đáng để duy trì hoạt động thường xuyên tại các khu BTTN, đơn vị quản lý bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, địa phương; triển khai các giải pháp kỹ thuật, pháp lý bảo vệ các hệ sinh thái.

Đến nay, tỉnh đã tổ chức lập và triển khai quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đã nâng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14 cả nước. Cùng với đó, việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên tại các khu BTTN và di sản thiên nhiên thế giới cũng được chú trọng. Giai đoạn 2013-2020, 100% khu BTTN và di sản đã được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển; 100% khu bảo tồn được bảo vệ tốt về ranh giới. Tỉnh cũng đã phê duyệt thực hiện hoàn thành 2 dự án quy hoạch thành lập 2 khu BTTN tại khu vực xã Đồng Rui (Tiên Yên) và huyện Cô Tô.

Với những tiềm năng, lợi thế lớn về nguồn ĐDSH, Quảng Ninh từng bước khai thác để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, hướng tới bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản. Tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thí điểm phát triển mô hình du lịch sinh thái tại xã đảo Quan Lạn (Vân Đồn); mô hình dự án thí điểm nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ long tại khu vực Vung Viêng...

Đặc biệt, tỉnh đã lập hồ sơ đề cử, bảo vệ thành công và được Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN công nhận khu BTTN vườn quốc gia Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN; đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới; phối hợp xây dựng hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà; hoàn thành hồ sơ để đề xuất quốc tế công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar).

Lãnh đạo xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE nhằm bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Thu Trang

Tin tưởng, những nỗ lực, quyết sách đúng đắn của Quảng Ninh trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên ĐDSH các di sản đã, đang và sẽ tiếp tục là nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, giữ gìn môi trường tự nhiên cho tương lai.

Nguyễn Dung

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang