• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kiên quyết nói không với bơm tạp chất vào tôm

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 20/06/2022
Ngày cập nhật: 21/6/2022

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng như các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chấm dứt hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liêu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà nhiều đối tượng vẫn thực hiện hành vi này, bất chấp việc gây tổn hại uy tín của ngành Thủy sản và sức khỏe người tiêu dùng.

Lực lượng liên ngành tỉnh kiểm tra cơ sở sơ chế tôm của ông Lâm Thanh Dúp.

Trục lợi bất chính

Ngoài việc làm tăng trọng lượng, các tạp chất được bơm vào tôm còn thay đổi chất lượng, lừa dối cảm giác về độ tươi, mang lại nguồn thu chênh lệch đáng kể. Sau khi được bơm tạp chất vào, tôm nguyên liệu có thể tăng trọng từ 10 - 15%, từ kích cỡ tôm nhỏ, giá thấp sẽ trở thành tôm kích cỡ lớn, bán được giá cao hơn. Thậm chí, đã có một giai đoạn, công nghệ đưa tạp chất vào tôm trở thành “ngành nghề” có tổ chức ở một số địa phương. Bên cạnh đó, việc đưa tạp chất vào tôm thường diễn ra vào các thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu để dễ tìm đầu ra cũng như tăng lợi nhuận đáng kể.

Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc có liên quan đến hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Gần đây nhất là vào ngày 14/6/2022, lực lượng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an TX. Giá Rai và các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất Công ty Cổ phần T.M.N chuyên thu mua, chế biến tôm nguyên liệu trên địa bàn ấp Khúc Tréo B (xã Tân Phong, TX. Giá Rai). Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện gần 750kg tôm thành phẩm (tương đương 1,2 tấn tôm nguyên liệu) có chứa tạp chất CMC, đang được lưu trữ trong kho lạnh của công ty. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời tạm giữ toàn bộ số tôm chứa tạp chất để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, vào ngày 2/6, lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở NN&PTNT, Công an xã Tân Phong cũng đã bắt quả tang cơ sở kinh doanh mua bán, sơ chế tôm nguyên liệu của ông Lâm Thanh Dúp (ấp 10B, xã Tân Phong) đang tổ chức bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 60 triệu đồng đối với ông Dúp.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã phối hợp với một số đơn vị kiểm tra phát hiện 10 trường hợp vi phạm tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, với số lượng trên 4.390kg.

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm. Ảnh: C.L

Cần mạnh tay hơn

Trước vấn nạn “phù phép” trọng lượng, biến tôm “còi” thành những con tôm căng mọng, tươi rói bằng các tạp chất, đánh lừa người tiêu dùng, để xử lý tình trạng này, bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các sở, ngành có liên quan cần tăng cường phối hợp chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thủy sản nhỏ lẻ, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động...

Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cần thiết phải tăng cường trách nhiệm của địa phương, mà cụ thể ở đây là các trưởng ấp, bí thư chi bộ ấp. Bởi, việc kiểm tra xử lý như vừa qua không khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. Mặt khác, để giải quyết triệt để, ngành NN&PTNT cần quy định cấp mã vùng nuôi và cơ sở nuôi. Trên cơ sở này, việc quản lý của cơ quan chức năng mới thuận lợi, khi phát hiện tôm có bơm tạp chất hay dính kháng sinh, việc truy xuất nguồn gốc mới dễ dàng. Điều này không chỉ giúp Bạc Liêu xây dựng thương hiệu tôm, nâng giá trị con tôm, mà theo đó thu nhập của người nuôi cũng được cải thiện. Vấn đề nữa là các địa phương cần hạn chế tối đa việc cấp phép hoạt động cho những cơ sở thu mua nhỏ lẻ vì những cơ sở này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây bệnh cho vùng nuôi mà việc kiểm tra, xử lý và truy xuất nguồn gốc cũng rất khó khăn khi có sự cố. Các doanh nghiệp cũng nên nói không với những đại lý không có uy tín, phải chấp nhận cùng chung tay tuyên chiến với nạn bơm tạp chất vào tôm.

Để ngăn chặn, xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào thủy sản, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở sản xuất - kinh doanh, xử lý nghiêm các vi phạm, thông báo rộng rãi tên cơ sở vi phạm để người dân biết…, thiết nghĩ, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất - kinh doanh thủy sản nhận thức rõ việc bơm tạp chất là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cách nhận biết tôm bơm tạp chất

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Tôm bơm tạp chất bị ngành chức năng phát hiện và thu giữ. Ảnh: C.L

Loại tôm được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú nguyên liệu. Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Tôm bình thường có thân mềm, cong. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả; vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu; vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị; vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, u-rê… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. U-rê tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

Song Nguyên - Chí Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang