• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thị trường cho trái cây có múi: Mối lo cung vượt cầu

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 02/01/2022
Ngày cập nhật: 4/1/2022

Hiện nay, các địa phương khu vực phía Bắc, trong đó có Hà Nội đang thu hoạch rộ các loại cây ăn quả có múi, nhất là bưởi, cam các loại. Mỗi địa phương, nhà vườn đang tìm hướng đi riêng để mở cửa thị trường cho sản phẩm trái cây có múi trong bối cảnh “cung vượt cầu”.

Vùng bưởi Vân Hà (huyện Phúc Thọ) năm nay được mùa lớn.

Các địa phương vào vụ thu hoạch rộ

Hơn 1 tháng nay, khắp các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội bày bán la liệt cam Vinh, cam ngọt, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đào đường, bưởi Diễn… Giá bán các loại cam chỉ dao động 10.000-20.000 đồng/kg; giá bưởi dao động từ 10.000-20.000 đồng/quả. Theo các tiểu thương, mức giá này giảm 20-30% so với đầu vụ trước. Nguyên nhân một phần vì năm nay sản lượng lớn, một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức tiêu thụ chậm.

Tại Hà Nội, hơn 13.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là bưởi (sản lượng hơn 100.000 tấn) đang bước vào vụ thu hoạch. Trước áp lực lớn từ nguồn cung trái cây ở các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Hưng Yên… cũng đang vào vụ thu hoạch rộ, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nông dân không khỏi lo lắng bởi có tới 70% sản lượng hoa quả người dân phải tự tìm đầu ra.

Chương Mỹ là một trong những huyện trồng bưởi lớn nhất của Hà Nội với 500 ha, trong đó chủ lực là bưởi Diễn. Hộ ông Nguyễn Đức Thọ ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) trồng 500 gốc bưởi Diễn, năm nay thu 4 vạn quả, nhà vườn phải đa dạng kênh tiêu thụ như gửi đại lý, sạp hoa quả lớn, tiêu thụ qua thương lái, qua mạng xã hội…

Còn tại tỉnh Hòa Bình, ông Phạm Văn Minh - hộ trồng cam lâu năm tại thị trấn Cao Phong chia sẻ, ảnh hưởng của dịch vụ Covid-19 tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ cam khi thủ phủ cam Cao Phong vào chính vụ, mức tiêu thụ chậm 50% so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh năm 2021 ước đạt khoảng 15.000ha, tăng khoảng 3,24% so với năm 2020, chiếm 12,4% diện tích cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 trong vùng, sau thành phố Hà Nội và tỉnh Hải Dương. Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực của Hải Dương, năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 4.250 ha cây ăn quả có múi, sản lượng ước tính 65.000 tấn.

Người tiêu dùng ngày càng yêu thích và lựa chọn sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có bao bì nhãn mác, được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, đặc sản theo mùa vụ... Nút thắt lớn hiện nay là thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu tại các chợ truyền thống.

Đối với Hà Nội, tận dụng thương hiệu bưởi Diễn - loại bưởi được đánh giá ngon nhất trong các loại bưởi, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp cho hay: Bưởi Diễn là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao hàng đầu trong các loại cây ăn quả, khác biệt với loại bưởi khác, tôm vàng óng, vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng.

"Bưởi Diễn của Hà Nội, nhất là các vùng bưởi được ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cũng như xây dựng nhãn hiệu như Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ… đang được nhiều người tiêu dùng biết tới, đặt hàng ngay tại vườn; các vùng bưởi thu hoạch cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái ven đô", bà Hòa thông tin.

Tại tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết, niên vụ 2021-2022, UBND huyện Cao Phong phối hợp, kết nối với các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ người dân tiêu thụ cam. Hiện, sàn thương mại điện tử Postmart cam kết hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn cam, Voso hỗ trợ tiêu thụ 2.000 tấn…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Các địa phương cần có hướng đi riêng. Để thúc đẩy thị trường tiêu thụ trái cây có múi của nước ta, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tập trung một số giải pháp chính, như: Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố, giữ vững và phát triển các thị trường có sẵn như ASEAN, EU, Nga, Hàn Quốc…; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA để đẩy mạnh tiêu thụ bưởi, chanh tươi và các sản phẩm chế biến từ quả cây có múi vào thị trường EU; thúc đẩy quá trình đàm phán để mở cửa thị trường cho bưởi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác… Với các thị trường có khoảng cách địa lý xa, tập trung xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chế biến để hạn chế chi phí, rủi ro, bảo đảm hiệu quả kinh tế; nghiên cứu và dự báo các thị trường để định hướng, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp chế biến; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với quả có múi...

SƠN TÙNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang