• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hà Giang: Bệnh vàng lá đe dọa cây cam Sành

Nguồn tin: Báo Hà Giang, 11/08/2022
Ngày cập nhật: 14/8/2022

Từ năm 2021 đến nay, chỉ riêng tại huyện Bắc Quang và Quang Bình (tỉnh Hà Giang) có trên 1.560 ha cam bị vàng lá, khô đầu cành, kém phát triển và chết dần.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các chuyên gia và huyện Bắc Quang khảo sát tình trạng bệnh vàng lá tại xã Vĩnh Hảo.

Vườn cam Sành của gia đình anh Hoàng Văn Học, thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo đã trồng được 5-6 năm nay với diện tích trên 2 ha. Niên vụ 2021 – 2022, diện tích cam của anh vẫn được thu hoạch, nhưng sau đó cây có hiện tượng vàng lá, khô đầu cành, cây không thể ra lá non và chết dần. Anh Học chia sẻ: Khi thấy một số cây cam trong vườn có hiện tượng, tôi đã thử một số phương pháp chữa trị nhưng không được. Xót xa lắm vì mấy năm qua gia đình đầu tư không ít tiền của, công sức vào vườn cam. Nay mới được thu 1, 2 năm đã bị như vậy. Giờ gia đình tôi không biết nên chặt bỏ để trồng cây khác hay tiếp tục tìm kiếm phương pháp chữa trị, phục hồi.

Theo báo cáo của huyện Bắc Quang, toàn huyện có 979,69 ha/1.146 hộ, ở 20 xã, thị trấn bị hiện tượng trên, diện tích bị bệnh nhiều nhất xảy ra ở các xã: Vĩnh Phúc (253,7 ha), Tiên Kiều (228,8 ha), Vĩnh Hảo (172 ha). Tại huyện Quang Bình có có 424 ha thuộc 7 xã gặp hiện tượng trên, xã Hương Sơn có diện tích lớn nhất (248 ha). Tổng diện tích cam bị vàng lá, khô đầu cành ở 2 huyện là 1.403,69 ha, chủ yếu tình trạng này xảy ra trên cây cam Sành và chiếm trên 20% tổng diện tích cam Sành toàn tỉnh. Hầu hết cây cam ở các độ tuổi đều bị tình trạng trên nhưng diện tích bị lớn nhất lại xảy ra ở cây cam trong thời kỳ kinh doanh (thu hoạch) từ 5-15 tuổi, giai đoạn cây cho sản lượng cao nhất, gây thiệt hại lớn đối với người trồng cam, đe dọa sự phát triển bền vững của cây cam Sành.

Trước hiện tượng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và các huyện kiểm tra thực tế tại xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) và làm việc với các hộ dân có diện tích cam bị bệnh để tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Qua xác định, hiện tượng trên đã xuất hiện từ năm 2021 nhưng lác đác ở các vườn, địa phương. Sau các đợt mưa đầu mùa năm nay bắt đầu xảy ra trên diện rộng, nhiều nhà vườn có hàng ha cây bị bệnh.

Tiến sĩ Cao Văn Chí, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: Hiện tượng cây cam bị vàng lá, khô đầu cành không chỉ mới xảy ra ở Hà Giang mà xuất hiện ở nhiều vùng trồng cam trên cả nước. Qua nghiên cứu, tình trạng cây cam bị bệnh ở Hà Giang cũng giống như các địa phương khác do bộ rễ của cây bị thối. Nguyên nhân do sự thiếu quan tâm đầu tư, chăm sóc của chủ vườn và chăm sóc chưa đúng cách; lạm dụng phân bón hóa học, ít hoặc không sử dụng phân bón hữu cơ (phân chuồng) khiến giảm độ PH trong đất, giảm vi sinh có lợi. Đồng thời sau những đợt mưa kéo dài rồi nắng nóng, bộ rễ tơ của cây bị tổn thương, bị nghẹn rễ; sau đó bị nấm bệnh, tuyến trùng, nhóm rệp sáp hại tấn công làm cho bộ rễ của cây bị thối, hỏng, không hấp thụ được dinh dưỡng.

Bắc Quang là vùng trồng cam lớn nhất toàn tỉnh với tổng diện tích trên 4.400 ha, trên 3.300 hộ trồng cam. Trong đó, diện tích cây cam Sành khoảng 2.800 ha. Ngay khi xuất hiện tình trạng cây cam bị vàng lá, ngành chuyên môn của huyện đã kiểm tra và khuyến nghị người dân thường xuyên theo dõi vườn, loại bỏ những cây bị bệnh, cắt tỉa tạo tán, tích cực chăm sóc; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nguồn gốc sinh học… nhưng chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu, diện tích bị bệnh tiếp tục lan rộng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Đàm Thuyên cho biết: Hiện nay người dân khá lo lắng khi cây cạm bị tình trạng vàng lá, khô cành và chết dần. Nhiều hộ bị diện tích lớn băn khoăn không biết có chữa, khắc phục được hay không? Nếu được thì tỷ lệ thành công ra sao? Phương pháp và chi phí như thế nào? Đồng thời mong muốn tỉnh thực hiện mô hình phục hồi cây cam khi bị tình trạng trên để làm mẫu. Có khuyến cáo ở từng mức độ bệnh sẽ thực hiện phục hồi hoặc chặt bỏ chuyển đổi cây trồng khác; xây dựng cơ chế hỗ trợ bà con, nhất là các hộ đang vay vốn theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh.

Các chuyên gia Viện nghiên cứu rau quả khẳng định, qua nghiên cứu có thể khắc phục tình trạng cây cam bị vàng lá, khô cành, thối rễ bằng một số biện pháp như: Đối với vườn bị mật độ thấp, cần thoát nước tốt sau các trận mưa; tưới vườn đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng; phun thuốc trừ nấm bệnh lên cây và toàn bộ diện tích đất vườn; tưới thuốc trừ rệp sáp hại rễ, tuyến trùng hại rễ vào trong đất; tưới phân kích rễ cây để bộ rễ mới phát triển; bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh và phân NPK tổng hợp hàng tháng. Đối với vườn bị mật độ cao, ngoài các biện pháp trên cần tiêu hủy ngay những cây bị nặng không có khả năng hồi phục, sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc nấm, thuốc trừ rệp và tuyến trùng để khống chế nguồn bệnh lây lan. Cùng với đó sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt là vi sinh vật đối kháng.

Dù đã có những biện pháp ban đầu nhưng vẫn cần có những phương án cụ thể, rõ ràng, quyết liệt của ngành chuyên môn và các địa phương, đặc biệt là quyết tâm của người trồng cam. Bởi đây là chủ thể trong phát triển cây cam, khi chủ vườn thực sự quan tâm, chăm sóc đúng quy trình, khuyến cáo mới có thể khắc phục triệt để tình trạng trên. Khi đó, cây cam Sành mới có thể phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang