• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cải thiện thu nhập nhờ thay đổi tư duy sản xuất

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 13/05/2022
Ngày cập nhật: 17/5/2022

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản mà đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập đáng kể trên cùng diện tích đất canh tác.

Năm nay, 1,5 công vườn sầu riêng của hộ ông Tạ Quang Ựng ước tính sẽ mang về khoản lợi nhuận hơn 160 triệu đồng.

Khoảng 7 năm qua, nhiều hộ dân xã Trường Long A mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho năng suất, thu nhập thấp sang cây sầu riêng. Hiện toàn xã có trên 108ha sầu riêng; trong đó có khoảng 15% cho trái, còn lại chuẩn bị cho trái chiếng. Để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhiều nhà vườn của xã chủ động liên kết với doanh nghiệp và tiến hành sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ. Hộ ông Tạ Quang Ựng, ở ấp Trường Hòa là một ví dụ.

Ông Ựng quê ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Cách đây khoảng 7 năm, ông mua 1,5 công đất vườn tạp ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A để lập nghiệp. Tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, ông chủ động liên kết với một doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ để được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Từ tư vấn bởi doanh nghiệp, ông trồng sầu riêng giống Monthon trên toàn bộ diện tích 1,5 công đất vườn của mình.

Ông Ựng cho biết, thông thường sầu riêng trồng khoảng 4 năm là có thể cho trái, nhưng ông để đến năm thứ 5 thì mới giữ lứa trái đầu tiên nhằm giúp cây phát triển tốt nhất. Chưa kể, để tránh cây mất sức, vụ đầu, ông không để trái rộ mà cắt tuyển bớt. Sau mỗi vụ thu hoạch, ngoài bón phân vô cơ, ông còn bồi dưỡng thêm phân hữu cơ để cây mau lấy lại sức. Với cách làm đó, ước tính năm nay, vườn sầu riêng sẽ mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận hơn 160 triệu đồng.

“Chi phí và công chăm sóc sầu riêng nặng hơn so với nhiều loại cây trồng khác, nhưng bù lại giá thị trường khá ổn định. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật và có đầu ra ổn định thì người dân sẽ sống thoải mái trên mảnh vườn của mình”, ông Tạ Quang Ựng chia sẻ.

Ngoài sầu riêng, chanh không hạt cũng được nhiều hộ dân của xã Trường Long A trồng trong thời gian qua. Chỉ tay về phía 2 công chanh không hạt, ông Nguyễn Văn Thủy, ở ấp Trường Thắng, khoe: “Khoảng 3 năm qua, từ 2 công chanh không hạt này, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Nhờ vậy mà cuộc sống trở nên thoải mái, sung túc hơn nhiều so với trước đây”.

Có được cuộc sống như thế, hộ ông Thủy trải qua nhiều lần thất bại. Tuy nhiên, với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình, ông mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Bởi cách đây 5 năm, 2 công đất vườn này được ông Thủy luân phiên trồng nhiều loại cây ăn trái như: xoài, mít, ổi... nhưng thu nhập khá bấp bênh, cuộc sống gói ghém lắm mới đủ ăn.

Không chấp nhận kết quả đó, ông tìm tòi, học hỏi cách trồng nhiều loại cây, cuối cùng quyết định trồng chanh không hạt. Ngoài tham gia một số lớp tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, ông còn trực tiếp tham quan nhiều mô hình trồng chanh không hạt hiệu quả ở huyện Châu Thành, sau đó vận dụng vào mảnh vườn của mình. “Chi phí và công chăm sóc loại cây này không nặng như một số cây trồng khác nên phù hợp với sức khỏe của người lớn tuổi như tôi”, ông Thủy giải thích.

Đặc biệt là ông còn phối hợp với một số hộ dân trên địa bàn xã liên kết với doanh nghiệp để được hướng dẫn thêm về cách thức phun thuốc, bón phân, xử lý cho cây đậu trái quanh năm và bao tiêu sản phẩm. “Giá cả loại trái cây gia vị này tương đối ổn định. Ngoại trừ 6 tháng cuối năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát nên giá chanh không hạt xuống thấp. Song, kể từ tết đến giờ, giá ở mức 20.000 đồng/kg trở lên”, ông Thủy cho biết thêm.

Hiện toàn xã có gần 19ha chanh không hạt, hầu hết các hộ đều liên kết với doanh nghiệp để được cung cấp giống, phân, thuốc và bao tiêu sản phẩm. Ông Huỳnh Trí Tôn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho rằng, chủ trương của địa phương là dù phát triển sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào thì vấn đề tiên quyết là phải sản xuất theo quy trình an toàn, tiến đến liên kết và từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn mà thị trường cần. Đây là yếu tố quan trọng để nông dân không còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và cũng là bước đệm để có thể thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản đến đầu tư tại địa phương.

“Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại một số cây trồng chủ lực của xã để vận động, khuyến khích người dân nhân rộng một cách phù hợp, trong đó chú ý đến 2 loại cây chanh không hạt và sầu riêng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên trồng đại trà, rầm rộ nhằm tránh tình cảnh “thừa hàng dội chợ”. Mặt khác, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để người dân phối hợp, liên kết với một số doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra sản phẩm”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang