• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nhân Hồ Thị Kiểng: Đưa con tôm Bạc Liêu ra thế giới

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 25/01/2021
Ngày cập nhật: 26/1/2021

Là phụ nữ tay yếu chân mềm điều hành công ty xuất khẩu thủy sản trong điều kiện khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường là một vấn đề khó, nhưng hơn 14 năm qua, chị Hồ Thị Kiểng đã vượt bao “sóng to gió lớn” để giành lấy thị phần không những ở thị trường châu Á, mà còn cả thị trường khó tính EU. Hiện tại dịch COVID-19 đang làm không ít doanh nghiệp “dở khóc dở cười” thì mỗi tháng Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú của chị Kiểng xuất khẩu 50 - 60 container vào thị trường EU.

Hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp

Xuất thân trong một gia đình nông dân, tuổi thơ của chị Hồ Thị Kiểng trải qua bao vất vả với cuộc sống gắn bó cùng mảnh ruộng, vuông vườn ở vùng quê nghèo Định Thành (huyện Đông Hải). Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng chị vẫn quyết tâm học tập với ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc sức khỏe người dân. Khi tốt nghiệp THPT, chị khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh để thi vào Trường đại học Y khoa. Những tưởng đã gõ cửa ước mơ trở thành bác sĩ khi nhà trường gửi giấy báo chị trúng tuyển với số điểm khá cao. Niềm vui vừa ập đến thì cũng vụt tắt vì gia đình quá khó khăn không đủ chu cấp cho chị bước vào giảng đường đại học. Tuy rất buồn, nhưng thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, nên chị đành chấp nhận gác lại việc học.

Không học được ngành Y thì làm nghề khác để mưu sinh, đó là sự lựa chọn duy nhất của cô gái trẻ Hồ Thị Kiểng tại thời điểm ấy. Thế là chị chọn công việc mua bán tôm tại quê nhà. Chị xin gia đình ít vốn, cùng chiếc xuồng chèo để đi lại thu mua tôm. Cứ hừng đông là chị chèo xuồng theo con nước lớn ròng đi khắp làng trên xóm dưới thu mua từng ký tôm, rồi chèo xuồng vượt qua hàng chục cây số đến chợ Nhàn Dân bán cho các chủ vựa tôm để kiếm đồng lời. Cứ thế, hết năm này qua tháng nọ, chị tích cóp mua được chiếc vỏ lãi và máy đuôi tôm để thay thế chiếc xuồng mà chị đã chèo thấm đẫm mồ hôi của một thời con gái. Có được chiếc máy đuôi tôm và vỏ lãi, chị mở rộng địa bàn thu mua tôm khắp các xã trong huyện, dần dần trở thành chủ vựa cung cấp tôm cho các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh đóng trên địa bàn Quốc lộ 1A (tuyến Bạc Liêu - Cà Mau).

Năm 2006, chị mạnh dạn đầu tư vốn thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phú, rồi Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú (gọi tắt là Công ty Thiên Phú) do chị làm Giám đốc. Thời điểm đó, ngành Thủy sản rơi vào giai đoạn khó khăn, nhưng với sự nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực xúc tiến thương mại, chịu khó tham gia hội chợ triển lãm, nghiên cứu thị trường, tìm đến các quốc gia có sản phẩm thủy sản chế biến chất lượng cao để học hỏi kinh nghiệm, và khi biết được những tiêu chí của các thị trường khó tính như Mỹ, EU, chị nhanh chóng liên kết cùng nông dân để nuôi tôm thương phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Không chỉ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm của Công ty Thiên Phú còn đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm ở các mức cao như: HACCP, BRC, ASC, BAP, ISO 9001; 2000…, chính vì thế đã được xuất khẩu vào những thị trường khắc khe nhất ở châu Á, thậm chí là thị trường EU…

Tại các thị trường châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore… Công ty Thiên Phú chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu, thị trường truyền thống EU chiếm 70%. Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước gặp không ít khó khăn thì mỗi tháng Công ty Thiên Phú đều xuất khẩu sang thị trường EU từ 50 - 60 container.

Đồng hành cùng nông dân

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, dưới sự điều hành của chị Kiểng, Công ty Thiên Phú thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nhân viên, người lao động; đưa những nhân viên có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm thực hiện các công việc kỹ thuật cao trước sự cạnh tranh lực lượng lao động trong ngành Thủy sản diễn ra gay gắt. Nhằm đảm bảo thu nhập cho công nhân và giữ chân họ gắn bó lâu dài với công ty, chị Kiểng cùng Ban Giám đốc công ty xây dựng phương án tạo sự liên tục trong dây chuyền sản xuất, tránh thời gian nhàn rỗi để hơn 500 công nhân có việc làm và thu nhập ổn định. Trong năm 2020, mức lương của công nhân trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, các nhân sự ở vị trí chủ chốt từ 20 - 30 triệu đồng/tháng; đối với những công nhân đạt hoặc vượt chỉ tiêu, công ty đều có mức thưởng 5 - 10%, nên ai cũng gắn bó và làm hết trách nhiệm của mình.

Bên cạnh chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên, cũng như đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương gần chục tỷ đồng/năm, chị Kiểng còn thực hiện hàng loạt chương trình phục vụ công tác an sinh xã hội. Năm 2020, chị đã hỗ trợ xây dựng 24 căn mái ấm tình thương cho các hộ nghèo trong tỉnh và 2 cây cầu bê-tông với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Không chỉ vậy, chị còn đầu tư xây dựng 2 ngôi chùa ở huyện Đông Hải và TX. Giá Rai trị giá hàng trăm tỷ đồng để người dân đến cầu an và sinh hoạt tín ngưỡng. Chị Kiểng tâm niệm: “Mình làm bất cứ nghề gì cũng vậy, phải có “tâm”, khi thành công thì phải biết chia sẻ với cộng đồng. Tôi có được thành quả như hôm nay cũng vì tận tâm tận lực với nghề, cộng thêm “thiên phú” (đất trời ban cho) nên tôi không tiếc chi những đồng tiền mình làm ra để cộng đồng cùng hưởng thụ”. Từ những việc làm ý nghĩa này, năm 2014, chị Hồ Thị Kiểng đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và là đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Với sự năng động, sáng tạo, vượt khó, kiên trì bám lấy mục tiêu của mình, chị Hồ Thị Kiểng đã đưa con tôm Việt đến với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều bằng khen của tỉnh và Thủ tướng Chính phủ cùng các giải thưởng giá trị như Giải Vàng chất lượng quốc gia, Giải Sao vàng đất Việt… là những ghi nhận xứng đáng cho Công ty Thiên Phú dưới sự điều hành của chị. Câu chuyện vượt khó làm giàu của chị Kiểng cũng được xem là bài học truyền động lực khởi nghiệp cho người trẻ ngày nay.

Việt Sử

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang