• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều chông gai cho xuất khẩu cá tra

Nguồn tin: Công Thương, 19/01/2021
Ngày cập nhật: 21/1/2021

Dù có nhiều lợi thế bởi do nhu cầu thị trường có thể phục hồi cùng tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) song xuất khẩu cá tra năm 2021 vẫn phải đối mặt với không ít thách thức liên quan đến rào cản thương mại và logistics.

Kỳ vọng xuất khẩu cá tra hồi phục?

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc năm 2020 ngành cá tra xuất khẩu chỉ mang về kim ngạch khoảng 1,54 tỷ USD, giảm mạnh 23% so với năm 2019. Kết quả này không quá bất ngờ bởi ngay từ đầu năm 2020, cá tra đã liên tục sụt giảm kim ngạch vì ảnh hưởng dịch bệnh cùng với những tác động từ nguồn cầu suy giảm. Dù vậy, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, ngành hàng cá tra vẫn đặt mục tiêu đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng nhẹ 5% so với năm 2020.

Lý giải cho mục tiêu này, ông Hòe cho biết, kết quả năm 2020 chỉ là tình hình chung bởi dịch bệnh Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thủy sản. Có những giai đoạn (như từ tháng 3 đến tháng 5/2020), sản phẩm cá tra không xuất được và thị trường mới chỉ phục hồi dần trong các tháng gần đây. Tất cả dẫn tới việc xuất khẩu sụt giảm, giá cá tra nguyên liệu trong nước ở mức thấp. “Tuy nhiên năm 2021, ngành cá tra có cơ sở để phục hồi gồm nhu cầu có thể tăng trưởng trở lại. Theo đó, kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối thủy sản sẽ tiếp tục hồi phục về mức trước dịch. Do đó, kỳ vọng khi dịch Covid-19 kết thúc, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng tốt trở lại” - ông Hòe cho biết.

Ngoài ra, theo phân tích của VASEP, trong năm 2020 ngành cá tra vẫn chưa tận dụng được lợi thế của EVFTA nhưng trong dài hạn hiệp định này sẽ tạo mức chênh lệch thuế lớn giữa cá tra Việt Nam với các nước đối thủ. Theo đó, các sản phẩm cá tra Việt Nam như cá tra nguyên con, cá tra fillet tươi đông lạnh sau 3 năm hầu hết sẽ giảm về mức 0%, thấp hơn mức thuế của đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5% - 9%), Trung Quốc (0%- 9%).

Đặc biệt, trong các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam thì Anh đang trở thành điểm sáng khi kim ngạch liên tục tăng. Tính đến hết tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Anh đạt 60,15 triệu USD, tăng hơn 48% so với cùng kỳ 2019. Như vậy, năm 2020 Anh là thị trường xuất khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng dương liên tục bất chấp Covid-19. Đáng chú ý, tỷ trọng cá tra chế biến (HS 1604) tăng mạnh, chiếm 32% tổng xuất khẩu cá tra và tăng hơn 1.400% so với cùng kỳ năm trước. Một yếu tố tích cực ở thị trường Anh phải kể đến đó là giá. VASEP ước tính, giá cá tra nhập khẩu trung bình của Anh cũng tương đối ổn định, dao động từ 2,98-3,98 USD/kg. Đây là mức tương đối khả quan với cá tra Việt Nam. Nếu giá trị xuất khẩu tại Anh tiếp tục lạc quan trong thời gian tới thì mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm này qua Anh có thể đạt ít nhất 10% trong năm 2021.

Ngoài yếu tố trên, tại thị trường Anh còn có tác động tích cực của UKVFTA có hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Theo thông báo chính thức của Chính phủ Anh, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước thụ hưởng GPS của Anh. Như vậy hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này được hưởng thuế quan ưu đãi GPS khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình C/O mẫu A theo quy định.

Vẫn còn nhiều chông gai ở phía trước

Bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, theo các chuyên gia ngành cá tra vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước khi phải đối mặt với các rào cản thương mại về chống bán phá giá, thay đổi quy định nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc và tình trạng thiếu vỏ container vẫn chưa được giải quyết.

Trong đó với rào cản thương mại, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, cuối tháng 12/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết quả sơ bộ thuế bán phá giá cá tra (POR16). Kết quả này có vẻ không mấy tích cực khi mức thuế của Công ty CP Vĩnh Hoàn là 0,09 USD/kg và (hiện giá bán của Vĩnh Hoàn khoảng 3,5 USD/kg) và Công ty CP Nam Việt cũng có mức thuế tương tự. “Sau một thời gian dài được hưởng thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ, việc Vĩnh Hoàn bị áp thuế chống bán phá giá lần này là khá bất ngờ và phần nào cho thấy phía Mỹ đang tập trung vào các công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành của Việt Nam. Trong tháng 10, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng có kết quả bất lợi đối với vụ kiện trốn thuế chống bán phá giá”, đơn vị phân tích nhận xét.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho biết, đây chỉ là kết quả sơ bộ và kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày thông báo kết quả sơ bộ (dự kiến khoảng tháng 4/2021). "Tôi hy vọng kết quả cuối cùng có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn” - ông Hòe chia sẻ.

Ngoài vấn đề này, việc Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, bao gồm cả việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cũng được cho là trở ngại cho xuất khẩu cá tra vào đất nước tỷ dân này. Chưa kể tình trạng thiếu container rỗng đóng hàng dẫn tới giá thuê tăng gấp 10 lần trong thời gian gần đây nếu không được giải quyết sớm sẽ gây ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Giám đốc một doanh nghiệp cá tra tại Tiền Giang lo lắng, đơn hàng đối tác nhập khẩu đặt với chúng tôi khá nhiều nhưng hiện cước tàu biển quá cao (lên tới 10.000 USD/container/40 feed đi thị trường Anh) nên chúng tôi đành từ chối. “Hy vọng tới đây với sự vào cuộc của cơ quan chức năng tình hình sẽ được cải thiện hơn” - vị giám đốc này mong mỏi.

Thùy Dương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang