Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 03/08/2021
Ngày cập nhật:
5/8/2021
Đó là điều mà cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp ngành tôm đang kỳ vọng, bởi đại dịch Covid-19 đang gây khó ta, nhưng cũng khó cho các quốc gia sản xuất tôm khác. Do đó, chỉ cần dịch được khống chế sớm thì ngành tôm không những phục hồi nhanh chóng mà nhiều khả năng sẽ tăng tốc, tạo nên cột mốc ấn tượng mới trong năm thứ hai dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn vững niềm tin về cơ hôi phục hồi và tăng tốc sau đại dịch Covid-19. Ảnh: TÍCH CHU
Do phần lớn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều thiếu lao động, trong khi mùa tôm ở Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang bước vào thu hoạch cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và giá thu mua. Vì vậy, theo thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, người nuôi nên tập trung chăm sóc, quản lý tốt tôm nuôi, nếu đủ điều kiện nên nuôi về cỡ lớn vì có giá ổn định ở mức cao, chứ không nên thu hoạch ồ ạt để chạy giá sẽ làm cho giá tôm giảm thêm, thiệt hại sẽ lớn hơn. Nếu có khó khăn trong khâu tiêu thụ, người nuôi cứ điện báo cho địa phương hoặc chi cục để được hỗ trợ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Văn Bal, chủ trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề) cho biết, các ao tôm của anh có ao đã vào cỡ dưới 40 con/kg và đang phát triển rất tốt. Anh hy vọng đến khi tôm vào cỡ 20 - 25 con/kg thì dịch Covid-19 sẽ được khống chế và dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, chắc chắn tôm sẽ được bán với giá rất cao vì ít có người nuôi được về cỡ lớn trong khi nhu cầu thị trường lại rất lớn. Không chỉ có anh Bal, nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng và một số tỉnh lân cận mà người viết liên hệ được đều rất tự tin về việc giá tôm sẽ tăng mạnh trở lại khi kết thúc giãn cách xã hội, nên họ đang tập trung chăm sóc tốt tôm nuôi hiện có. Tuy nhiên, đối với một số hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, sản lượng tôm thu hoạch không cao vẫn gặp khó khăn nhất định trong khâu tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, niềm tin của người nuôi tôm là hoàn toàn có cơ sở khi sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, giá tôm tại Sóc Trăng và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chẳng những không giảm thêm mà còn có sự tăng nhẹ ở một số kích cỡ. Giá tôm bình quân những ngày qua phần lớn đều tăng vài ngàn đồng mỗi ký. Cụ thể: tôm thẻ loại 60 con/kg giá 110.000 – 115.000 đồng/kg; 50 con/kg giá 115.000 - 119.000 đồng/kg; 40 con/kg giá 128.000 - 130.000 đồng/kg; 30 con/kg giá 140.000 - 150.000 đồng/kg… Đặc biệt, tôm thẻ cỡ 20 con/kg giá thấp nhất hiện cũng được 220.000 đồng/kg, còn loại 25 con/kg giá 165.000 – 170.000 đồng/kg. Những diễn biến trên cho thấy, giá tôm giảm thời gian qua chỉ là nhất thời và sẽ tăng trở lại khi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ kết thúc thời gian thực hiện, nên người nuôi có thể yên tâm thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng để nắm bắt cơ hội sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Dẫu biết sản xuất ở thời điểm hiện tại là không có lợi nhuận, nhưng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của tỉnh cũng như khu vực vẫn cố gắng duy trì ngoài mục tiêu lớn là mong muốn sẻ chia khó khăn với các bên liên quan trong chuỗi giá trị con tôm, còn tranh thủ để nắm bắt cơ hội để phục hồi và tăng tốc sau dịch Covid-19. Đó là một số cường quốc tôm như: Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… đều đang gặp khó khăn về dịch Covid-19 như Việt Nam, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới bắt đầu tăng trở lại nhờ nhiều thị trường lớn như: Mỹ, EU, Anh… đã bắt đầu nới lỏng, mở cửa dần nền kinh tế nhờ có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao. Do đó, nếu chúng ta khống chế dịch Covid-19 sớm sẽ là một lợi thế không nhỏ trong việc cạnh tranh tại những thị trường lớn này.
Mùa thu hoạch tôm đang bước vào chính vụ và đây cũng là lúc các doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất thực hiện cho các đơn hàng phục vụ dịp lễ tết cuối năm. Cơ hội đang mở ra phía trước và sẽ sớm trở thành hiện thực nếu như chúng ta đẩy lùi được dịch Covid-19 đúng như kế hoạch. Khi đó, ngành tôm không những sẽ phục hồi mà nhiều khả năng sẽ tăng tốc để tạo nên cột mốc ấn tượng mới trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19.
TÍCH CHU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới:
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.