• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi gặp khó khâu tiêu thụ

Nguồn tin: Báo Bình Định, 18/09/2021
Ngày cập nhật: 20/9/2021

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng khá nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm, khiến người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở trong tỉnh Bình Định đối mặt với nhiều khó khăn.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ khiến ngành chăn nuôi Bình Định mất các thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh quan trọng như: TP Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, mà ngay cả thị trường trong tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn dù đây là ngành hàng thực phẩm thiết yếu.

Hiện việc tiêu thụ heo ở Hoài Ân đang giảm rất nhiều do giá mua thấp. - Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân. Ảnh: TIẾN SỸ

Đối với bò thịt, dịch bệnh viêm da nổi cục khiến người tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh e ngại nhiều tháng qua. Khoảng 40% sản lượng bò thịt của tỉnh ta được tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh; dịch bệnh Covid-19 cộng với dịch bệnh viêm da nổi cục khiến những người chăn nuôi bò gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy điều đáng mừng là sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay về cơ bản tỉnh ta đã khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục. Mới đây, Sở NN&PTNT đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, với diễn biến này bò thịt của Bình Định sẽ được phép đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành bình thường như trước. Cơ hội cho ngành hàng này sẽ sáng trở lại bởi bò thịt của Bình Định vốn được nhiều nơi tín nhiệm.

Thịt heo chiếm tỷ lệ rất cao trong bữa ăn hằng ngày, dù khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng sức tiêu thụ vẫn khá ổn. Nhưng do dịch bệnh Covid-19, việc lưu thông tương đối khó khăn nên người chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi giá heo giảm khá nhiều. Theo Cục Thống kê tỉnh, giá heo hơi trong tháng 8.2021 có thời điểm ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg, là mức giá thấp nhất trong 2 năm qua. Còn một số thương lái cho biết, giá heo hơi chung ở các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 16.9 dao động khoảng từ 48.000 - 51.000 đồng/kg.

Tại huyện Hoài Ân, địa phương có số lượng heo nuôi nhiều nhất tỉnh, do ảnh hưởng dịch bệnh, người nuôi đã giảm số lượng tái đàn khá nhiều nhưng hiện vẫn còn khoảng 195 nghìn con (cách đây nửa năm khoảng 245 nghìn con). Mặc dù được huyện, xã hỗ trợ trong việc vận chuyển, kết nối tiêu thụ nhưng hiện người nuôi trong huyện chỉ bán bình quân khoảng 150 - 200 con/ngày, trong khi đó lúc bình thường khoảng 1.000 con/ngày. “Ngoài chuyện giá giảm, nguyên nhân quan trọng khiến việc tiêu thụ heo của nhân dân Hoài Ân khó khăn còn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nơi tiêu thụ chính - Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế” - ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết.

Giá thịt và trứng gia cầm trên bình diện cả nước đều tăng tương đối nhiều do nhu cầu tăng mạnh, nhưng đáng tiếc người chăn nuôi ở tỉnh ta chưa tận dụng được cơ hội này dù nguồn cung trong tỉnh dồi dào do việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, đến tháng 7.2021, gà thịt trong tỉnh khoảng 4,5 triệu con, gà đẻ trứng thương phẩm công nghiệp khoảng 200 nghìn con; sản lượng trứng gia cầm bình quân 45 triệu quả/tháng, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Nhiều người chăn nuôi cũng như thương lái trong tỉnh chia sẻ, sản phẩm thịt và trứng gia cầm (nhất là gà thịt) vẫn khó tiêu thụ do dịch bệnh Covid-19 diễn biến quá phức tạp khiến việc mua gom, vận chuyển gặp nhiều trở ngại.

Gặp nhiều khó khăn nhất trong tiêu thụ hiện nay có lẽ tôm nuôi. Từ tháng 7 đến tháng 10.2021, người nuôi tôm nước lợ ở tỉnh ta sẽ thu hoạch vụ 2; theo ước tính của Sở NN&PTNT sản lượng sẽ vào khoảng 3.000 tấn. Nhưng việc bán tôm đang “căng” bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc đến mua tôm lẫn vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Tại thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), nơi có nhiều hộ nuôi tôm quy mô lớn, tình hình cũng đang “căng” khi tôm rớt giá và tiêu thụ rất khó khăn. Ông Phạm Tấn Hương, người nuôi tôm ở thôn An Quang Tây, chia sẻ: Tháng trước tôi thu hoạch được 2,5 tấn tôm, nhưng tiêu thụ khó khăn, giá giảm nhiều mà chi phí tăng hơn nên rốt cuộc lỗ khoảng 35 triệu đồng. Hiện còn nhiều ao tôm của các hộ trong thôn đã nuôi được khoảng 2 tháng, thời gian tới bắt đầu thu hoạch mỗi ao khoảng một vài tấn nhưng chúng tôi đang rất nóng ruột chưa biết có bán được không. Cố gắng cầm cự lắm thì tôm nuôi tối đa cũng chỉ 3 tháng là phải bán, bởi ngoài tốn thêm chi phí còn đối mặt với nhiều rủi ro hơn về dịch bệnh tôm, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão...

HOÀI THU

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang