• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 13/04/2021
Ngày cập nhật: 14/4/2021

Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm bởi làm cho chi phí giá thành sản xuất tăng cao. Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Triệu Phong đang (tỉnh Quảng Trị) canh cánh với nỗi lo thua lỗ.

Giá thức ăn tăng cao gây khó khăn cho người chăn nuôi - Ảnh: T.H

Liên tục nhiều ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến hàng loạt hộ chăn nuôi gia cầm hết sức lo lắng. Xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong có hàng chục trang trại chăn nuôi gia cầm. Thời điểm này người chăn nuôi trên địa bàn lao đao vì giá thức ăn tăng cao trong khi giá gia cầm lại giảm. Chị Đoàn Thị Hiếu ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa là hộ nuôi vịt đã nhiều năm nay. Hiện gia đình chị nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ kết hợp với lò ấp trứng, mỗi ngày thu hơn 800 quả trứng. Khoảng 2 - 3 ngày, chị Hiếu cho toàn bộ số trứng vịt thu được vào lò ấp và cho ra lò khoảng 2.000 vịt con để bỏ mối cho các thương lái. Mỗi năm nhờ mô hình nuôi vịt đẻ kết hợp với lò ấp trứng, gia đình chị Hiếu thu lãi gần 150 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay giá thức ăn cho vịt tăng cao, từ 320.000 đồng/bao trước đây thì nay lên tới 360.000 - 380.000 đồng/bao, trong khi đó vịt con bán ra thị trường với giá rất thấp, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/con (trước đây 5.000 - 6.000 đồng/con), cộng với các khoản chi phí khác thì người nuôi khó có lãi. Chị Hiếu cho biết: “Trung bình mỗi bao thức ăn đội giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Khoản chi phí thức ăn bỏ ra trong ngày quá cao, cứ theo đà thức ăn tăng như vậy thì chi phí đầu vào của nghề nuôi vịt cao hơn so với giá trị thu nhập về, cộng với các khoản chi phí khác thì người nuôi khó có lãi, thậm chí phải bù lỗ”.

Anh Trần Quốc Quý, một hộ nuôi lợn ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn cũng cùng nỗi lo như chị Hiếu. Hiện nay gia trại của anh Quý nuôi 120 con lợn, trong đó có 12 lợn nái. Trước đây, khi giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng thì mỗi ngày đàn lợn của anh tiêu thụ khoảng 800.000 đồng tiền thức ăn. Tuy nhiên do giá thức ăn hiện tăng cao nên chi phí tăng thêm từ thức ăn khoảng 400.000 đồng/ngày. Theo tính toán của anh Quý, mỗi con lợn thịt từ khi nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 4 tháng ăn hết hơn 9 bao cám, với giá thức ăn tăng cao như hiện nay sẽ mất chi phí hơn 3 triệu đồng, cộng với tiền giống khoảng 2 - 2,2 triệu đồng, ngoài ra thêm các khoản như tiêm vắc xin, thuốc phòng dịch bệnh, điện, nước… thì tổng chi phí đến khi xuất chuồng gần 6 triệu đồng. Trong khi đó, giá lợn hơi chỉ giao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg tùy thời điểm, mỗi con lợn xuất chuồng có trọng lượng hơn 80 kg - 90 kg, bán thu về khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, sau 4 tháng chăm sóc, người nuôi lợn gần như không có lãi hoặc lãi không đáng kể, chưa kể công chăm sóc. Anh Quý cho biết: “Giá thức ăn nuôi lợn liên tục tăng và không biết bao giờ mới ổn định, chưa tính tiền thuốc, tiền tiêm phòng bệnh, nên người chăn nuôi đối mặt với quá nhiều rủi ro trong khi thị trường lợn hơi có thể biến động tăng giảm nhanh chóng, khó lường, chưa kể dịch bệnh còn tiềm ẩn”.

Theo tìm hiểu thị trường, chủ các đại lý thức ăn chăn nuôi cho biết, từ tháng 1/2021 đến nay, thức ăn chăn nuôi nhiều lần tăng giá nên việc tiêu thụ hàng hóa giảm đáng kể. Giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, các trang trại đều nuôi cầm chừng, nhiều chủ trại không dám tái đàn, mở rộng quy mô, thậm chí có nhiều trang trại chăn nuôi còn giảm đàn mạnh, nhiều người tính đến chuyện nghỉ nuôi. Do vậy lượng thức ăn tiêu thụ ra thị trường cũng giảm đáng kể.

Ông Trần Văn Nhuận, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong cho biết: “Hiện nay, ngoài rủi ro do dịch bệnh đe dọa, người chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn do chi phí đầu vào cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Do đó, người chăn nuôi trước hết cần thực hiện tốt các biện pháp giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, thức ăn chăn nuôi đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Để chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao thì người chăn nuôi nên đầu tư theo hướng chăn nuôi theo công nghệ cao, tập trung, quy mô lớn và chăn nuôi có sự liên kết với các công ty để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời giảm rủi ro do dịch bệnh. Riêng đối với các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nên nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi hữu cơ và hướng canh tác tự nhiên để tăng giá trị sản phẩm, tạo ra các sản phẩm sạch. Chọn các đối tượng vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng, địa phương để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường”.

Thanh Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang