• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tân Hưng (Long An): Hiệu quả từ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Nguồn tin: Báo Long An, 26/10/2020
Ngày cập nhật: 28/10/2020

Những năm qua, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) luôn tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và khẳng định thương hiệu lúa, gạo Việt.

Tân Hưng là một trong những huyện nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, Tân Hưng có 74.000ha đất trồng lúa, hầu hết nông dân đều chủ động đầu tư máy móc từ khâu làm đất đến thu hoạch nông sản. Theo đó, vào mùa vụ, trên khắp các cánh đồng trong huyện xuất hiện rất nhiều loại máy, góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh sản phẩm, nhất là sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Hiện nay, nông dân áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất 100%; trong khâu gieo sạ sử dụng máy mang vai trên 95%, còn lại sử dụng các máy sạ hàng, sạ giống; 100% sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; 100% máy vận chuyển nông sản,... Bình quân, mỗi xã có từ 5-6 máy gặt đập liên hợp, 4-5 máy cày,... Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ thấy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, từ đó làm lúa cứng cây, dễ chăm sóc, ít đổ ngã, giảm bón phân đạm 20-30%, ít sâu, bệnh, tăng lợi nhuận từ 4-6 triệu đồng/ha so với sản xuất theo cách truyền thống”.

Nông dân huyện Tân Hưng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Trước đây, khi đến mùa vụ, anh Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã Vĩnh Đại, phải chạy khắp nơi thuê hàng chục lao động phục vụ sản xuất 10ha lúa. Nếu không thuê được người, cả gia đình anh phải cùng nhau làm nên có lúc bón phân, phun thuốc không kịp, sâu hại cắn phá lúa, gây thiệt hại rất nhiều, làm năng suất giảm, chi phí tăng. Còn những năm gần đây, anh mạnh dạn đầu tư máy cày, máy gặt đập liên hợp,... góp phần rút ngắn thời gian từ khâu làm đồng đến thu hoạch, giải phóng được sức lao động, tăng năng suất.

Anh Tâm trải lòng: “Đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng không chỉ giúp tôi giải bài toán về thiếu lao động khi mùa vụ đến mà còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Sau khi phục vụ sản xuất cho gia đình, tôi còn nhận làm thuê cho người dân xung quanh. Tùy theo tình hình mỗi năm mà tôi thay đổi dàn máy để phục vụ tốt việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng”.

Năm 2014, Công ty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh thành lập tại xã Hưng Thạnh. Tại đây, công ty đầu tư 2 máy phun thuốc (máy chạy và máy bay phun thuốc), 1 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cày, 1 kobe, 1 máy cấy,... Hiện nay, công ty canh tác gần 200ha; đồng thời, liên kết sản xuất cùng nông dân trên 200ha. Để giảm chi phí sản xuất, công ty hỗ trợ nông dân từ khâu gieo sạ đến làm đồng, nhất là tư vấn cho nông dân mua các loại máy về phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh - Bùi Văn Cường chia sẻ: “Máy phun thuốc bình thường mỗi ngày làm tối đa 3ha, còn máy bay phun thuốc công suất làm từ 20-30ha, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tiết kiệm chi phí. Thấy được lợi ích của máy bay phun thuốc của công ty, nông dân huyện Tân Hưng mua hơn 10 máy. Công ty luôn tích cực hướng dẫn cho người dân sử dụng các trang thiết bị hiện đại; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ khi nông dân cần. Có thể thấy, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là việc làm cần thiết, nông dân không còn phải tốn công, tốn sức nhiều, đặc biệt là sản phẩm làm ra chất lượng, không bị thương lái ép giá”.

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là một trong những tiêu chí đầu tiên của việc trồng lúa ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động. Đây chính là tiền đề cho huyện Tân Hưng nói riêng, tỉnh nói chung làm ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu gạo và ngày càng khẳng định được thương hiệu lúa, gạo Việt./.

Kim Ngọc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang