• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phong Điền (Thừa Thiên Huế): Đẩy mạnh tiêu hủy sắn bị bệnh khảm lá sắn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 24/03/2020
Ngày cập nhật: 25/3/2020

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang đẩy mạnh việc tiêu hủy sắn bị bệnh khảm lá, tránh lây lan và hạn chế thiệt hại…

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Phong Hiền giúp dân nhổ bỏ những cây sắn bị bệnh khảm lá

Quyết liệt trong tiêu hủy

Tại cánh đồng thuộc thôn Bắc Triều Vịnh (Phong Hiền, Phong Điền), anh Hoàng Ngọc Hùng vừa nhổ những gốc sắn bị bệnh vừa than thở: “Gia đình tôi năm nay trồng 7ha sắn, hàng năm trung bình mỗi ha sắn mang lại thu nhập cho gia đình từ 30 – 40 triệu đồng. Giờ buộc phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy làm ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế của gia đình”.

Theo tính toán của anh Hùng, từ đầu vụ đến nay gia đình anh đã chi phí hơn 100 triệu đồng để đầu tư vào cây sắn. Trong đó, tiền thuê người làm đất, trồng sắn khoảng 40 triệu đồng, anh đã trả. Số tiền còn lại khoảng 70 triệu đồng tiền phân bón, thuốc từ sâu đang nợ chủ cửa hàng và phải chịu lãi suất 10%/tháng. Dự định khi thu hoạch sẽ trả, nhưng nay thì không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ đây. Hiện nay, 7ha sắn của anh, thì có đến 6ha bị bệnh khảm lá trên 70%, 1ha bị bệnh khảm lá dưới 70%.

Nhiều nông dân ở xã Phong Hiền cũng đang đứng trước nguy cơ nợ nần vì diện tích sắn bị mất trắng do bệnh khảm lá gây hại.

Ông Nguyễn Nguyên, nông dân trồng sắn thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền buồn bã nói: Gia đình tôi năm nay trồng được 2,5 mẫu sắn, đến nay gia đình tôi đã chi phí ra hơn 6 triệu đồng tiền làm đất, phân bón, phun thuốc, chưa kể tiền công chăm sóc hơn 3 tháng nay. Khi mới phát hiện bệnh, tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây mua đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, đành nhìn sắn chết dần.

Trước diễn biến của dịch bệnh, UBND xã Phong Hiền đã vận động người dân nhổ bỏ các cây sắn đã nhiễm bệnh nhằm hạn chế lây lan. UBND xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ tiêu hủy sắn ở các thôn để vận động, kiểm tra, giám sát việc tiêu hủy sắn tại địa phương.

UBND xã Phong Hiền đã huy động gần 200 cán bộ, giáo viên của 5 trường học trên địa bàn và 100 đoàn viên thanh niên giúp người nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Qua triển khai, đông đảo đoàn viên, giáo viên tích cực, nhiệt tình trong việc giúp dân.

Ngoài việc giúp các hộ nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy sắn bị bệnh, các giáo viên, đoàn viên còn tham gia vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người trồng sắn hiểu rõ mức độ nguy hại, các triệu chứng nhận biết cây sắn bị bệnh, từ đó, áp dụng biện pháp phòng, chống quyết liệt, kịp thời, triệt để.

Người dân Phong Sơn nhổ bỏ sắn bị bệnh khảm lá

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho biết, toàn xã trồng 286ha. Trong đó, có trên 200ha hư hại trên 70%. Đến nay, UBND xã đã vận động và huy động lực lượng giúp đỡ người dân nhổ bỏ, tiêu hủy khoảng 90% sắn bị bệnh. Đối với những hộ không chấp hành, UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời xử lý vi phạm, buộc hộ gia đình phải chấp hành tiêu hủy theo quy định.

Sẽ hỗ trợ nông dân

Theo kế hoạch năm 2020, huyện Phong Điền sẽ đưa vào trồng 1.200ha sắn, đến nay đã triển khai trồng được 1.198ha. Hiện, toàn huyện đã có trên 991ha diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, xuất hiện hầu hết ở tất cả các xã, thị trấn, trong đó tỷ lệ bệnh gây hại trên 70% là 550,8ha và 440,3ha bị nhiễm bệnh dưới 70%. Các xã bị nhiễm bệnh nặng như Phong Mỹ 128,5/128,5ha; Phong Hiền 259,15/268,44ha; Phong An 172,75/176ha; Phong Sơn 157/182ha…

Chở sắn bị bệnh khảm lá đem đi tiêu hủy

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền -Nguyễn Văn Quang, hiện nay nhiều người dân đang chần chừ vì tâm lý tiếc của khi phải nhổ bỏ số sắn nhiễm bệnh, khiến diện tích sắn nhiễm bệnh ngày càng gia tăng. Do vậy, huyện Phong Điền đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương quyết liệt xử lý theo hình thức tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh trên 70% và tổ chức tiêu hủy cục bộ đối với diện tích sắn nhiễm bệnh dưới 70%. Đến nay toàn huyện đã xử lý, tiêu hủy 377,5ha.

UBND huyện Phong Điền đã thống nhất mức hỗ trợ tiêu hủy trên diện tích sắn bị nhiễm bệnh là 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% và 1 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh dưới 70%. Với phương án hỗ trợ trên đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo niềm tin để các hộ dân có thể chuyển đổi cây trồng trước mắt, tránh thiệt hại về sau.

Tiêu hủy sắn ngay tại nơi nhổ bỏ

Hiện nay, bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh và gây hại. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới; đồng thời vận động nông dân tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh khảm lá, tránh thiệt hại về cả công sức lẫn tiền bạc.

Bài, ảnh: Hải Huế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang