• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 29/07/2020
Ngày cập nhật: 31/7/2020

Thời gian qua, phong trào phát triển sinh vật cảnh (SVC) trong tỉnh Bắc Ninh không chỉ dừng lại là thú vui tao nhã của những người đam mê, mà còn là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.

Hội viên trong Chi hội hoa lan đầu tư nhiều loại lan rừng có giá trị kinh tế cao.

Để phát triển SVC trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, Hội SVC tỉnh động viên hội viên tích cực xây dựng ý tưởng sáng tạo những dáng, thế cây độc đáo và khuyến khích mở rộng diện tích trồng hoa, cây bóng mát phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhằm nâng cao tay nghề cho hội viên, từ năm 2017 đến nay Hội tổ chức nhiều buổi thăm quan học tập kinh nghiệm ở các mô hình trong và ngoài tỉnh, phối hợp tổ chức được hơn 30 lớp tập huấn cho hơn 3.000 hội viên về kỹ thuật tạo dáng và chăm sóc cây cảnh. Qua quá trình học tập hội viên áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao, nhận thức của hội viên về nghệ thuật SVC được nâng lên, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.000 hội viên, phát triển được 146.500 chậu cảnh, 45.000 giò phong lan, 1.830 non bộ, đá cảnh, 1.154 bể cá cảnh, 3. 670 tác phẩm gỗ lũa, hơn 100.000 cây bóng mát, cây ăn quả, gần 6.000 lồng chim cảnh… Trong đó, có hơn 100 nhà vườn có mức đầu tư từ 1 tỷ đến hàng chục tỷ đồng, hơn 400 hội viên có mức đầu tư vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng tập trung chủ yếu ở Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh.

Điển hình như nghệ nhân Nguyễn Văn Bắc, xã Yên Phụ (Yên Phong) sở hữu một trong những nhà vườn SVC tiêu biểu của địa phương với hơn 6 ha. Ông Bắc chia sẻ: “Nhiều năm trước, nơi đây chỉ toàn hồ, vũng. Tôi mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo thành mô hình như hiện nay. Nhà vườn được chia thành 3 khu chính, gồm hệ thống ao nuôi thả cá; chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái; vườn trưng bày 1.500 cây cảnh; gần 1.000 cây ăn quả, cây bóng mát. Mô hình được Trung ương Hội SVC trao tặng danh hiệu Nhà vườn SVC tiêu biểu”. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, đến nay ông sở hữu nhiều cây cảnh nghệ thuật, trong đó 500 tác phẩm tầm đại; 800 tác phẩm tầm trung; 200 tác phẩm bonsai... tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Theo ông Bắc SVC là ngành kinh tế được mệnh danh có thu nhập “không giới hạn”, bởi giá của nó luôn thay đổi và tùy thuộc vào thị hiếu của người mua.

Cũng là một trong những nhà vườn SVC tiêu biểu của địa phương, vườn bonsai Yên Mai có tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng của ông Đặng Công Tể ở thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ (Yên Phong) thường xuyên đón nhiều lượt khách tới thưởng lãm và trao đổi. Vốn làm trong ngành xây dựng, đến năm 2011, ông Tể mới “bén duyên với nghề hoa, lá, cành” và thành lập vườn bonsai Yên Mai. Ban đầu chỉ là sở thích, lựa chọn vài cây phù hợp để chơi, rồi theo thời gian lại trở thành “nghiệp” lúc nào không hay. Trong những tác phẩm được ông kỳ công chăm sóc, nổi bật là dàn cây cảnh nghệ thuật giành giải Đặc biệt tại Hội Xuân Bắc Ninh 2018. Ông cũng tích cực mang tác phẩm đi giao lưu, dự thi tại các tỉnh bạn và nhiều tác phẩm nghệ thuật trong số đó đã giành giải cao tại các hội thi như Mai chiếu thủy (thế huyền) giành giải Vàng tại triển lãm SVC Thái Nguyên; tác phẩm Sanh trực, Si trực, Lộc vừng đại tổ lộc đạt giải Vàng tại triển lãm SVC Nam Định. Phần thưởng cao quý nhất dành cho sự đam mê của ông Tể có lẽ không chỉ gói gọn trong những bộ huy chương cùng những tấm Giấy khen của các cấp Hội Sinh vật cảnh, đó còn là vinh dự khi khu vườn của ông thực sự trở thành điểm đến, nơi gặp gỡ, giao lưu của những người cùng đam mê, sở thích…

Theo ông Đặng Công Hưởng, Chủ tịch Hội SVC tỉnh, để phong trào SVC có bước phát triển mới mang tính bền vững, trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển SVC trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, trước mắt cần đưa các loại hoa, cây cảnh là mặt hàng được ưu tiên phát triển trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị; thành lập mới các doanh nghiệp SVC; kịp thời nắm bắt những thông tin về nhu cầu thị trường, thực trạng sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, mức độ thiếu hụt, giá thành sản xuất... Thông qua đó xây dựng phương án kinh tế, dự tính hiệu quả sản xuất và mức độ rủi ro khi đầu tư vào hoa, cây cảnh. Đối với người sản xuất cũng cần nắm được những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nguồn lao động … để đẩy mạnh các mô hình SVC có hiệu quả kinh tế cao.

Hà Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang