• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thị trường xuất khẩu hoa dần phục hồi

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 13/06/2020
Ngày cập nhật: 14/6/2020

Trong tháng 5/2020, thị trường xuất khẩu hoa Lâm Đồng có dấu hiệu phục hồi so với tháng trước đó với sản lượng xuất khẩu hoa ước đạt 33 triệu cành và chậu hoa các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,1 triệu USD. Tuy giá trị có giảm đến 44% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng trở lại đến 27%.

Thu hoạch hoa tại Công ty Đà Lạt Hasfarm

Thị trường xuất khẩu dần sáng hơn

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của ngành hoa. Các đơn hàng xuất khẩu bị tạm dừng, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do các nước thực hiện phong tỏa, cấm biên, ngừng nhập khẩu... Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong nước rất chậm, có lúc bị đóng băng do thực hiện giãn cách xã hội.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, ngành hoa đã xuất khẩu được 117,9 triệu cành, chậu hoa các loại với giá trị xuất khẩu đạt 20,8 triệu USD, giảm mạnh 26,3% về lượng và 33,2% về giá trị. Hoạt động xuất khẩu hoa vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện như Công ty Đà Lạt Hasfarm, Apollo, Nhật Việt, Hoa Trường Xuân… với các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2020 đến nay, tình hình xuất khẩu hoa đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu, châu Á đã và đang mở cửa trở lại đối với nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đà Lạt Hasfarm cho biết: Các thị trường xuất khẩu hoa chủ lực của công ty như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đã bắt đầu được kết nối trở lại từ giữa tháng 4. Do đó, thời điểm này, tình hình xuất khẩu hoa đã từng bước cải thiện. Nhiều nước đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, tại Nhật Bản, thị trường chiếm 70% sản lượng xuất khẩu hoa của Đà Lạt Hasfarm nói riêng và Lâm Đồng nói chung dự kiến sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại từ giữa tháng 6. Đây là điều kiện tốt để ngành xuất khẩu hoa trong tỉnh bước vào giai đoạn phục hồi.

Nông dân trồng hoa đang từng bước khôi phục sản xuất

Cần 6 - 12 tháng để phục hồi thị trường

Giao thương với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã bắt đầu khởi sắc. Đơn hàng đến với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tăng dần. Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp, người dân trồng hoa trong tỉnh đã bắt nhịp lại đà sản xuất, giá một số các loại hoa cũng tăng nhẹ trở lại. Những tín hiệu tích cực này đã tạo động lực mới để ngành hoa Lâm Đồng từng bước lấy lại đà phát triển.

Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, công ty Đà Lạt Hasfarm vẫn cố gắng duy trì hoạt động xuất khẩu với 35 triệu cành hoa các loại; trong đó, 15% sản lượng từ các hộ dân liên kết. Theo ông Bảo, mặc dù thị trường xuất khẩu hoa đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên phải mất từ 6 -12 tháng để phục hồi thị trường, còn việc sản xuất phải mất từ 3 - 6 tháng để người trồng hoa trong tỉnh khôi phục.

Ngay cả Đà Lạt Hasfarm, hiện hơn 20 ha sản xuất trong nhà kính của công ty cũng đang để trống do thị trường tiêu thụ kém. Do đó, trong thời gian tới, đối với những hộ đang liên kết, Đà Lạt Hasfarm vẫn sẽ thực hiện thu mua cho người dân đến lúc kết thúc hợp đồng. Sau đó, đối với các hộ liên kết trồng hoa cúc, công ty bắt buộc phải thực hiện cắt giảm diện tích liên kết với người dân.

Tương tự, tại công ty Hoa Mặt Trời, ông Huỳnh Tấn Sơn - Giám đốc Công ty cho biết: Tuy thị trường xuất khẩu các nước, đặc biệt là Nhật Bản đã dần ổn định trở lại nhưng việc khôi phục sản xuất, thị trường thương mại như trước phải cần một khoản thời gian nhất định. Với 10 ha đang sản xuất và gần 15 ha liên kết với các nông hộ, khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng hoa thu hoạch của công ty buộc phải hủy do không thể xuất đi. Chính vì vậy, Công ty buộc phải điều chỉnh lại quá trình sinh trưởng của cây.

Tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP Đà Lạt, suốt nhiều tháng xảy ra dịch Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thậm chí là không tiêu thụ được. Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 200 ha hoa hồng, canh tác ứng dụng công nghệ cao, mỗi ngày thu hoạch gần 1 triệu cành, cung cấp cho thị trường cả nước. Tuy nhiên, từ thời điểm đầu năm đến nay, hoa hồng bị dồn ứ, giá xuống rất thấp. Điều này đã đẩy người trồng hoa hồng ở Lạc Dương lâm vào thế khó, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng. Vì thế, nhiều nông dân hiện không đủ sức để khôi phục sản xuất, nên rất cần sự trợ lực từ nhiều phía.

NGÂN GIANG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang