• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hưng Yên: Phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 08/12/2020
Ngày cập nhật: 10/12/2020

Với lợi thế đất đai màu mỡ, gần thị trường thủ đô Hà Nội, nông dân một số vùng có trình độ, kinh nghiệm thâm canh cao, đồng thời được sự quan tâm của các cấp, các ngành về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, những năm gần đây, diện tích trồng hoa, cây cảnh của tỉnh phát triển mạnh, từ đó hình thành nhiều vùng trồng tập trung quy mô lớn như vùng trồng hoa thuộc các xã: Xuân Quan, Phụng Công, quất cảnh xã Mễ Sở (Văn Giang)... mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng bưởi cảnh ở huyện Khoái Châu

Nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, những năm qua, huyện Khoái Châu đã chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang trồng các loại hoa, cây cảnh. Đến năm 2019, toàn huyện trồng 45 ha hoa, 155 ha cây cảnh. Do tích cực đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao chất lượng, đa dạng về chủng loại. Tại địa phương, nhiều tập thể, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng vừa hạn chế được tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, vừa bảo đảm năng suất, chất lượng; trồng cây cảnh trong chậu... Theo những hộ trồng hoa trên địa bàn huyện, mức đầu tư cho hoa cúc từ 180 - 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đầu tư 1ha cây quất cảnh từ 200 - 250 triệu đồng, lợi nhuận đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm...

Theo kết quả khảo sát năm 2019 của cơ quan chức năng, diện tích trồng hoa toàn tỉnh đạt 978,6ha, cây cảnh 877ha, trong đó diện tích trồng hoa tập trung có 661ha tại 30 vùng, diện tích cây cảnh tập trung khoảng 775 ha tại 26 vùng, còn lại được trồng phân tán tại các xã, phường, thị trấn với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, một số mới được chuyển đổi từ diện tích các cây trồng kém hiệu quả hoặc sản xuất 1 vụ trong năm. So với lúa và nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng hoa lớn nhưng cho thu nhập cao, cụ thể, lợi nhuận từ sản xuất hoa hồng, hoa cúc đạt 200 - 220 triệu đồng/ha/năm, hoa đồng tiền đạt 180 - 190 triệu đồng/ha/năm, hoa ly trồng trong nhà lưới đạt 1,2 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm, hoa giỏ treo đạt 20 - 30 nghìn đồng/giỏ hoa hải đường, hoa trà đạt 180 - 200 triệu đồng/ha, cây quất cảnh 250 - 300 triệu đồng/ha…

Mô hình trồng đào cảnh ở thành phố Hưng Yên

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Những giống hoa đang trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống (gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh). Các phương pháp này dễ ứng dụng, giá thành cây giống thấp nhưng chất lượng giống không cao, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước hiện đại). Chưa ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa, chủ yếu sơ chế đơn giản. Công tác tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên; xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chỉ đáp ứng từ 50 - 60% nhu cầu sản xuất. Việc thiết lập mối liên kết tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua tư thương; mạng lưới tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh của tỉnh còn mang tính tự phát, hệ thống vận chuyển, xử lý, phân loại, đóng gói, tiêu thụ và tiếp thị mở rộng thị trường còn hạn chế…

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh trong những năm tới, đặc biệt là thị trường Hà Nội, trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp như tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất hoa, xây dựng mô hình khảo nghiệm, trình diễn để giúp nông dân học tập, áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang đảm nhiệm Đề án Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung giai đoạn 2020 – 2025. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển cây ăn quả, hoa, cây cảnh của tỉnh theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, mở rộng thêm 500ha hoa, 130ha cây cảnh và một số vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung tại các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động... Giai đoạn 2021 – 2025, đề án sẽ đầu tư một phần kinh phí từ ngân sách để khuyến khích người dân mở rộng trồng mới và xây dựng mô hình.

Đức Toản

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang