• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu từ chăn nuôi gà

Nguồn tin: Báo Kon Tum, 25/11/2020
Ngày cập nhật: 28/11/2020

Sớm có niềm đam mê về chăn nuôi, chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Cầm ( thôn 5, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã quyết định theo học Trung cấp Thú y, sau đó mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại chăn nuôi gà Ai Cập. Nhờ sự cần cù, chịu khó và đầu tư chăn nuôi đúng kỹ thuật, trang trại gà của anh cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Cầm nhớ lại: 2 năm học Trung cấp Thú y đã giúp tôi có được những kiến thức nền, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho bản thân theo đuổi đam mê. Bên cạnh đó, nhờ quãng thời gian tôi từng làm trong công ty phân phối, bán thức ăn chăn nuôi, có cơ hội được đi nhiều nơi và tiếp cận với nhiều mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế hiệu quả. Qua nhiều năm tìm tòi, học hỏi, năm 2017, tôi quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà Ai Cập. Bởi theo tôi, đây là mô hình có vốn đầu tư không quá lớn, nhưng nếu làm bài bản sẽ cho thu nhập cao.

Theo anh Cầm, giống gà Ai Cập có thể nuôi theo hình thức nhốt tập trung hay nuôi bán thả. Chúng có tầm vóc trung bình, rất nhanh nhẹn, bình quân mỗi con mái đẻ khoảng 200-210 quả trứng/năm. Bên cạnh đó, thịt của giống gà này cũng khá săn chắc và ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Anh Cầm và mô hình nuôi gà phát triển kinh tế. Ảnh: T.T

Với số tiền tích góp của bản thân cùng vốn vay ngân hàng, anh Cầm đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng mô hình. Hơn 1.000 con gà giống Ai Cập được anh nhập từ Hà Nội về, tiêm ngừa vắc xin theo đúng quy trình; chuồng nuôi được cải tạo, nâng cấp tạo độ thoáng mát... Chuồng phải luôn sạch sẽ, khử trùng trước khi thả gà vào từ 2 - 3 tuần; máng ăn, máng uống cũng được sát trùng để đảm bảo môi trường phù hợp, có như vậy thì đàn gà mới khỏe mạnh.

Anh Cầm bộc bạch: Dù có nhiều ưu điểm, nhưng giống gà Ai Cập vẫn là một trong những giống rất “khó chiều”. Nếu không chăm sóc kỹ, chúng rất dễ mắc bệnh. Vì vậy hàng ngày, tôi phải thường xuyên kiểm tra và theo dõi sát sao sức khỏe của đàn gà. Quan trọng nhất là ở giai đoạn gà đẻ trứng (trên 21 tuần tuổi), phải chú ý đến chế độ ăn và làm ổ đẻ sao cho hợp lý.

Được chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật, đàn gà của anh Cầm phát triển tốt, đem lại sản lượng và chất lượng trứng ổn định. Với đàn gà trên 1.000 con, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm, anh Cầm thu trên 100 triệu đồng từ bán trứng.

Sau khoảng 14 tháng, gà sẽ giảm đẻ trứng, đây cũng là thời điểm anh Cầm xuất bán gà thải để tái tạo đàn mới. Mỗi con gà thải được bán ra với giá 120 nghìn đồng. Số tiền thu về cũng tương đương với số tiền đầu tư cám, con giống để chuẩn bị cho lứa sau.

Thành công với mô hình gà đẻ Ai Cập, anh Cầm đã quyết định đầu tư nuôi thêm giống gà lai chọi lấy thịt. Sử dụng nguồn vốn từ đàn gà Ai Cập mang lại, anh Cầm nhập về 1.200 con gà lai chọi để chăn nuôi. Từ lợi thế có vườn nhà rộng hơn 4 sào, anh Cầm đã nuôi theo hình thức bán chăn thả. Nhờ có môi trường rộng, gà được bay nhảy và vận động nhiều, chất lượng thịt gà lai chọi luôn ngon, chắc thịt, được nhiều người tiêu dùng và một số đầu mối chuyên cung cấp gà thịt ưa thích.

“Giống gà lai chọi thích nghi tốt với điều kiện ở địa phương, tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh. Về thức ăn, có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp của địa phương nên tiết kiệm chi phí, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn. Tuy nhiên, bởi đặc điểm là loài gà lớn (trung bình con trống nặng khoảng 3kg, con mái cũng trên 2kg), nên giống này thường không được chuộng trong những bữa ăn gia đình, vì vậy tôi thường phải xuất gà đến các thị trường ngoài tỉnh để tiêu thụ” - anh Cầm chia sẻ.

Hiện nay đàn gà lai chọi của anh Cầm phát triển ổn định và khỏe mạnh. Khoảng 4 -5 tháng/ lần, anh Cầm lại xuất bán một lứa, mỗi đợt thu được khoảng 50 triệu đồng (đã trừ chi phí). Nguồn vốn thu được, anh lại tiếp tục xoay vòng, đầu tư nuôi gối các lứa gà khác. Ngoài 2 giống gà kể trên, hiện tại anh Cầm đã đầu tư thêm chuồng trại để nhập 700 con gà ri về nuôi, bán trong dịp tết sắp tới.

Anh Cầm vui vẻ: Mọi người thường đùa, bảo tôi tên Cầm nên gắn với chăn nuôi, chăm sóc gia cầm là hợp “mệnh”. Còn bản thân mình lại thấy, cái nghề này như cái duyên bản thân, mang lại cho mình công việc, thu nhập và cả những niềm vui hàng ngày. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đất, xây thêm chuồng trại để phát triển mô hình lớn hơn và hiệu quả hơn nữa.

Tất Thành

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang