• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển chăn nuôi bò ở vùng biển

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 07/08/2020
Ngày cập nhật: 9/8/2020

Nhằm hỗ trợ ngư dân ven biển ổn định đời sống, năm 2018, Sở Khoa học và công nghệ Quảng Trị đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”. Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã tạo ra được phong trào chăn nuôi bò ở vùng cát, tạo thu nhập đáng kể cho người dân bên cạnh nghề biển.

Sau khi tham gia dự án, nhiều hộ dân vùng biển đã phát triển được đàn bò khá quy mô. Ảnh: HVA

Dự án được triển khai trên địa bàn của 8 xã ven biển của 4 huyện chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển gồm các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch (cũ) (Vĩnh Linh); Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh); Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong); Hải An, Hải Khê (Hải Lăng). Với sự đầu tư nguồn vốn từ Chương trình phát triển nông thôn, miền núi, dự án được triển khai bài bản từ các khâu khảo sát điều kiện lao động, đất đai, tình hình chăn nuôi, khả năng chăn nuôi bò, số hộ bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, nhu cầu của người dân đến chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ vốn cho người dân… Dự án nhận được sự ủng hộ và tham gia chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể chính trị- xã hội ở các xã nên đã được tổ chức chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả. Thông qua các cuộc họp dân, chọn hộ, phổ biến các nội dung, mục tiêu và định mức hỗ trợ, yêu cầu vật tư đối ứng của người dân tham gia mô hình. UBND các xã có triển khai dự án thành lập ban quản lý dự án, các hội, đoàn thể xã tham gia mỗi đơn vị hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện chăn nuôi của 1 hộ được hưởng lợi.

Trong quá trình thực hiện dự án, Sở Khoa học và công nghệ giám sát, đánh đánh sát đúng kết quả theo từng giai đoạn để rút kinh nghiệm những hộ chưa đạt hoặc nhân rộng những hộ làm tốt, từ đó có sự so sánh giữa các mô hình, các địa phương thực hiện. Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong chỉ đạo thực hiện dự án. Trung tâm cũng lựa chọn, ký kết hợp đồng với khuyến nông viên, thú y xã trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật cho dự án. Các cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, kỹ năng tốt và nhiệt tình, được đào tạo đầy đủ các quy trình công nghệ về chăn nuôi bò. Các lớp tập huấn được tổ chức bài bản; nội dung, phương pháp tập huấn gắn lý thuyết với thực hành nên đã thu hút học viên tham gia tích cực. Do vậy, sau tập huấn tất cả học viên đều nắm chắc các quy trình, công nghệ và thực hành một cách thành thạo. Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho 10 cán bộ cơ sở và 200 lượt nông dân về quy trình và kỹ thuật chăn nuôi bò như: Kỹ thuật trồng, quản lý và sử dụng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò; kỹ thuật nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo bò thịt; kỹ thuật chế biến, bảo quản phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; phòng chống dịch bệnh...

Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã tiếp nhận và chuyển giao thành công 7 quy trình chăn nuôi bò và 5 quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật dùng trong chăn nuôi cho người dân vùng ven biển. 8 hộ được lựa chọn để xây dựng 8 mô hình chăn nuôi bò thâm canh gia trại gồm chọn lựa đàn bò cái lai, bò thịt, bò vỗ béo; cải tạo chuồng trại; thực hiện phối giống bằng thụ tinh nhân tạo; thực hiện các kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò cái sinh sản, bò thịt thâm canh và bò vỗ béo. Ở quy mô nông hộ, xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản bán thâm canh tại 48 hộ với mức 2 con/hộ. Đồng thời, xây dựng vùng giống bò bước đầu có gần 130 bò cái sinh sản, hằng năm sản xuất trên 100 bò giống chất lượng cao phục vụ nuôi bò cho ngư dân. Các hộ được lựa chọn là các hộ đang chăn nuôi bò với quy mô khá hoặc có khả năng đầu tư nguồn vốn đối ứng để đảm bảo quy trình nuôi bò và có nguyện vọng tham gia dự án. Dự án cũng hỗ trợ một phần thức ăn tinh và thuốc thú y để phòng trị bệnh cho bò.

Dự án đã mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, môi trường và xã hội. Đối với nuôi nông hộ, lợi nhuận nuôi 2 con bò cái sinh sản thu được hơn 35 triệu đồng/năm. Các hộ tận dụng thức ăn tinh tự sản xuất, giá rẻ thì lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi thu nhập từ phân bón 800.000 đồng/m3 . Đối với chăn nuôi gia trại, nuôi 4 con bò cái sinh sản đạt lợi nhuận bình quân gần 73 triệu đồng/hộ/năm. Đối với vỗ béo bò, lợi nhuận sau thời gian thực hiện dự án đạt gần 48 triệu đồng/mô hình. Hiệu quả kinh tế đối với từng phương thức và quy mô nuôi, ngoài số bò do dự án hỗ trợ, nhờ áp dụng các quy trình, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chế biến thức ăn thì tăng hiệu quả kinh tế so với phương thức nuôi hiện tại lên khoảng 30%. Việc áp dụng các công nghệ chăn nuôi như chế biến và dự trữ thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, góp phần giải quyết thức ăn cho bò trong những mùa rét, làm giảm tối đa dịch bệnh cho bò. Dự án cũng đã sản xuất và cung ứng một số lượng bò giống chất lượng tốt phục vụ chăn nuôi bò trên địa bàn.

Việc dự án sử dụng chế phẩm vi sinh ủ phân chuồng, vừa có phân hoai mục chất lượng để trồng trọt, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Công nghệ ủ xanh, ủ chua, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò vừa đảm bảo được nguồn thức ăn thường xuyên, chất lượng cho bò vừa hạn chế hiện tượng đốt, vứt bỏ phế phụ phẩm nông nghiệp, giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và cải tạo nguồn tài nguyên đất canh tác. Chăn nuôi bò sẽ cung cấp phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao độ phì và cải thiện tính chất cơ lý của đất, nhờ vậy đất không bị thoái hoá, bạc màu ở vùng cát ven biển.

Từ kết quả thực hiện, dự án không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ tham gia mà còn tạo ra khả năng tự nhân rộng phát triển thành phong trào chăn nuôi bò trong ngư dân. Dự án mở ra một hướng sản xuất mới, sử dụng được tiềm năng sẵn có, lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Từ đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng cát và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.

Trần Cát Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang