• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thức ăn chăn nuôi tăng giá, nông dân gặp khó

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 07/08/2020
Ngày cập nhật: 8/8/2020

Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tập trung tái đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao khiến các nông hộ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, cộng với dịch bệnh tả heo châu Phi càng khiến sức mua trên thị trường èo uột. Chỉ hơn một tháng trở lại đây, sức mua mới có dấu hiệu phục hồi do nhiều hộ tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, giá thức ăn vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Theo khảo sát tại một số đại lý trên địa bàn tỉnh, hiện giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đồng loạt tăng từ 350 - 550 đồng/kg, tương ứng với mỗi bao cám (loại 25 kg) tăng trung bình 8.750 đồng - 13.750 đồng/bao. Hiện các loại cám chăn nuôi có giá dao động ở mức 220.000 - 370.000 đồng/bao tùy loại. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi đã có 2 đợt điều chỉnh tăng giá bán. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ chăn nuôi, làm tăng thêm chi phí đầu vào.

Gia đình ông Trịnh Văn Sơn (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) làm nghề nuôi bò vỗ béo từ nhiều năm nay. Trong chuồng của gia đình ông hiện nuôi 5 con bò. Ngoài các loại thức ăn thô xanh, ông còn sử dụng các loại hạt, ngũ cốc, cám, khô dầu, thức ăn hỗn hợp… để cho bò ăn. Song, hiện giá cả hầu hết các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng, trong khi giá bán bò thương phẩm rất bấp bênh, gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi như gia đình ông.

Theo nhiều chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, nguyên nhân khiến các mặt hàng thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản tăng giá là do giá các nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi khó khăn trong khâu nhập nhẩu vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, hiện giá khô dầu đậu tương đã tăng từ 9.000 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg; mặt hàng bắp hạt tăng từ 5.600 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg; một số mặt hàng như: Lysine, axit amin cũng tăng giá đến 30% và luôn trong tình trạng khan hàng, đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng theo.

Chị Nguyễn Thị Phương Trang, chủ Đại lý thức ăn Phương Trang (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) cho biết, sức mua các loại thức ăn chăn nuôi ở cửa hàng chị hiện đã giảm khoảng 30% so với trước. Cùng với đó, lượng hàng nhập về dù không bị hạn chế về số lượng, nhưng phía nhà phân phối yêu cầu phải đăng ký trước khoảng một tuần thì mới có hàng chứ không phải "gọi đâu có đó" như trước đây.

Nông dân ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar chọn mua thức ăn chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng giá bán thương phẩm các loại gia súc, gia cầm lại bấp bênh khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, phải thận trọng trong đầu tư. Riêng đối với mặt hàng heo thương phẩm, mặc dù giá bán đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng giá thức ăn cộng với giá con giống cũng tăng mạnh (khoảng 2,4 - 2,7 triệu đồng/con) khiến các hộ nuôi heo muốn tái đàn hoặc mở rộng quy mô cũng gặp khó khăn do thiếu vốn, dẫn đến sức mua trên thị trường thức ăn chăn nuôi giảm mạnh.

Trong khi đó, giá bán các loại thực phẩm như: gà, cá, trứng đang giảm, khiến các hộ chăn nuôi phải cắt giảm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Thay vào đó, nhiều nông hộ chọn cách mua các nguyên liệu tại chỗ như: cám gạo, bắp, sắn về xay nhỏ, rồi phối trộn để thay thế thức ăn công nghiệp, nhằm giảm giá thành sản xuất.

Hộ chị Bùi Thị Thanh Hương (thôn Ea Kiêng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) nuôi 10 con heo nái, 40 con heo thịt, đàn gà, ngan lên đến cả trăm con. Chị cho hay, giá heo hơi tăng cao đang khuyến khích người nuôi gây đàn, khôi phục lại sản xuất, nhưng hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao gây nhiều trở ngại cho người nuôi như chị. Trước thực tế này, hằng ngày ngoài việc cho heo ăn cám công nghiệp, chị còn tận dụng thêm các loại thức ăn khác để thay thế như bã hèm, bắp xay… nhằm tiết giảm chi phí.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, với tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, nhiều khả năng giá các loại thức ăn chăn nuôi sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do vậy, để giảm chi phí đầu vào, người dân nên chọn giải pháp tự mua cám gạo, bắp, sắn tại địa phương về xay nhỏ, rồi phối trộn để thay thế cám công nghiệp. Tuy nhiên, khi tự trộn thức ăn chăn nuôi, người nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật phối trộn, lựa chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, xác định được tỷ lệ dinh dưỡng đối với từng loại vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau, có như vậy chất lượng đàn vật nuôi mới được bảo đảm.

Đỗ Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang