• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Phát triển mô hình nuôi dê ở vùng gò đồi Cam Lộ

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 05/08/2020
Ngày cập nhật: 7/8/2020

Cùng với chăn nuôi bò thâm canh, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), nhiều hộ gia đình còn chuyển hướng sang mô hình nuôi dê. Đây là hướng đi mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế ở vùng gò đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Phát triển chăn nuôi dê ở xã Cam Thành, Cam Lộ. Ảnh: AV

Ngoài trồng rừng, cao su, để nâng cao thu nhập, 2 năm nay, gia đình ông Bùi Văn Tiến ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành còn đầu tư chuồng trại để nuôi dê. Ban đầu do còn hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm nuôi nên ông Tiến chỉ nuôi 8 con dê cái sinh sản. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh, sau gần 2 năm, từ 8 nái sinh sản nay đàn dê của ông Tiến tăng lên trên 40 con. Ông Tiến chia sẻ: “Hằng ngày, sau khi cạo mủ cao su xong, trong khi chờ để đổ mủ, tôi tranh thủ thời gian đó cắt lá cho dê ăn, chăm sóc đàn dê, thành ra một công đôi việc. Nhờ mô hình nuôi dê này mà gia đình tôi có thêm việc làm, nguồn thu nhập cũng tăng lên”.

Là địa phương có địa hình gò đồi bán sơn địa, huyện Cam Lộ có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng, nhất là nguồn thức ăn phong phú. Vì vậy, những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở Cam Lộ chuyển hướng sang chăn nuôi dê. Hiện nay, có hai hình thức nuôi được người dân áp dụng đó là nuôi nhốt chuồng và nuôi bán chăn thả. Trên địa bàn huyện có gần 100 hộ gia đình phát triển mô hình này với số lượng trên 2.000 con. Trong đó, hộ nuôi với quy mô lớn từ 40- 50 con, hộ ít từ 10-15 con. Theo người dân cho biết, dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh, chỉ cần chú trọng là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ. Thời gian sinh trưởng nhanh, dê từ khi sinh ra cho đến 4 tháng là có thể xuất bán. Đặc biệt thị trường đầu ra rất ổn định, nếu bán dê thịt thì trung bình 140.000-150.000 đồng/kg, còn dê giống giá cao hơn. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, các loại lá sẵn có trên đồi, so với nuôi trâu bò thì nuôi dê cần lượng thức ăn ít hơn.

Thấy được hiệu quả từ mô hình này, mấy năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Huế ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính không nuôi bò mà chuyển sang xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Ông Huế cho biết: “Với đặc điểm là vùng gò đồi thuận lợi trong phát triển chăn nuôi dê, nhất là nguồn thức ăn phong phú nên nuôi dê nhốt chuồng hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò. Hằng ngày, chỉ cần vài giờ đi cắt lá là đủ cho đàn dê hơn 20 con ăn cả ngày. Mỗi năm thu nhập từ nuôi dê của gia đình tôi hơn 50 triệu đồng”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Chính Nguyễn Ngọc Thanh thông tin, hiện nay các mô hình nuôi dê ở xã Cam Chính đều mang lại hiệu quả cao hơn so với các vật nuôi khác. Ở địa phương có trên 15 mô hình nuôi dê của hội viên nông dân, mỗi đàn từ 15- 20 con. Nhờ chăn nuôi dê mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên hộ khá.

Nuôi dê là hướng đi mới trong khai thác tiềm năng vùng gò đồi của Cam Lộ. Tuy nhiên hiện nay người dân vẫn còn nuôi theo tính tự phát, việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc đầu tư con giống nên hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Ông Đào Văn Khánh, cán bộ khuyến nông xã Cam Thành cho biết, hiện nông dân chủ yếu nuôi giống dê địa phương, không thay đổi đực giống nên tình trạng phối giống cận huyết xảy ra nhiều, dẫn đến dê chậm phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh. “Nhằm từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê. Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tại các xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi để giúp người dân nâng cao thu nhập”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết.

Với lợi thế của một huyện vùng gò đồi, ngoài phát triển chăn nuôi bò thâm canh thì việc nhân rộng mô hình nuôi dê là hướng đi mới, phù hợp. Qua đó giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, chuyển đổi kinh tế theo hướng đa cây, đa con để nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Anh Vũ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang