• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu nhập ổn định từ nuôi dê sinh sản

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 20/02/2020
Ngày cập nhật: 23/2/2020

Rời quê nhà Cao Bằng, gia đình chị Nông Thị Nội, dân tộc Tày đến sinh sống, lập nghiệp tại thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vào năm 2013. Tại đây, cũng như nhiều hộ dân tộc thiểu số phía Bắc khi mới đến định cư, gia đình chị Nội là hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh (Dự án WB) hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, gia đình chị đã tận dụng tốt chiếc “cần câu” này để phát triển kinh tế.

Đàn dê của gia đình chị Nội đều khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều con đang mang thai

Năm 2014, dù tích góp mua được 2 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu nhưng do thời gian đầu chỉ tập trung đầu tư nên gia đình chị Nội gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2016, qua điều tra rà soát, Dự án WB hỗ trợ gia đình chị xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản.

Dự án cho gia đình 5 con dê giống cùng với nguồn thức ăn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, cách duy trì và phát triển sinh kế. Gia đình chị xây dựng chuồng trại kiên cố, nghiên cứu trồng nhiều giống cỏ và phù hợp với sở thích của đàn dê. Mùa mưa, chị tranh thủ đi tìm nguồn cây cỏ làm thức ăn tự nhiên cho đàn dê. Mùa nắng, chị tận dụng thân chuối rừng và chuối được trồng quanh nhà, trộn với cám và các loại thức ăn khác giúp đàn dê có nguồn thức ăn đầy đủ hơn. Xung quanh vườn, chị trồng các loại cỏ khác nhau để có thể duy trì nguồn thức ăn cho đàn dê mỗi khi mưa gió.

Chị Nội chia sẻ: “Được Dự án WB hỗ trợ nuôi dê, gia đình tôi rất vui mừng, cố gắng chăm sóc đàn dê thật tốt. Qua quá trình nuôi, tôi thấy đàn dê rất thích ăn giống cỏ bắp. Theo chị mỗi lần cắt cỏ này là dê ăn sạch từ gốc đến ngọn, khả năng sinh trưởng cũng tốt hơn so với một số giống cỏ khác. Để đàn dê sinh sản và phát triển khỏe mạnh, cần phải bổ sung dinh dưỡng, thức ăn thô, xanh, tinh bột và chất khoáng. Chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông”.

Khi thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chị Nội tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và áp dụng đúng quy trình như làm chuồng trại hợp vệ sinh, tiêm vắc xin phòng dịch, trồng cỏ làm thức ăn cho dê… Từ những kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi đã tích lũy cùng việc áp dụng kiến thức nuôi dê học được qua các lớp tập huấn giúp chị chăm sóc tốt. Chị cũng thành thạo trong việc phòng và trị các bệnh thông thường hay xảy ra trên đàn dê như: thương hàn, chướng hơi, loét miệng, kí sinh trùng, viêm vú, viêm phổi, đau mắt…

Chị Nội cắt cỏ bắp trồng quanh vườn làm thức ăn cho đàn dê

Chị Nội cũng cho biết thêm, dê vốn là động vật dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại lá, rễ cây dễ tìm nên phù hợp với điều kiện để canh tác của gia đình. Hơn nữa, thịt dê có thị trường tiêu thụ rộng, nên việc chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Thông thường, mỗi lần dê mẹ đẻ được 1 - 3 con, một năm 2 lứa. Đến nay, đàn dê của gia đình chị thường xuyên duy trì từ 20 - 40 con.

Mỗi năm, chị xuất bán được 20 con, trọng lượng từ 20 - 35 kg, với giá bán như hiện nay từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, thì gia đình chị thu về hơn 60 triệu đồng/năm. Trong năm 2019, gia đình chị Nội bán được gần 50 con thu được hơn 100 triệu đồng. Việc có được nguồn thu nhập khá cao từ mô hình nuôi dê sinh sản còn giúp gia đình chị có nguồn phân lớn ủ cẩn thận đem bón cho cây trồng, giảm được chi phí chăm sóc các loại cây trồng trong thời kỳ giá thấp.

Được hỗ trợ và phát triển đàn dê sinh sản không những giúp gia đình chị Nội thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Thu nhập từ mô hình nuôi dê không những giúp gia đình chị trang trải cuộc sống hằng ngày mà có nguồn vốn đầu tư vào chăm sóc vườn cây cà phê, hồ tiêu... Bản tính siêng năng, cần cù, lao động sản xuất là một trong những điều kiện tiên quyết giúp gia đình chị phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: H'Mai - Ngọc Huyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang