• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh long vụ nghịch và… nghịch lý giá thấp

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 21/12/2020
Ngày cập nhật: 22/12/2020

Mùa chong đèn thanh long với bao hy vọng của nông dân bỗng chốc tan biến trong thời điểm này. Bởi chính sự trồi sụt về giá cả, nay chỉ ở mức khoảng 5.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cao khiến nhiều gia đình thua lỗ…

Lỗ nặng

Đó là chia sẻ của rất nhiều nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung và xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng vào những ngày này. Tại buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Thắng Lợi những ngày cuối năm trầm buồn hơn thường lệ. Nội dung họ muốn chia sẻ ngay lúc này là giá cả thanh long vụ nghịch đang xuống rất thấp, bình quân chỉ 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, giá thanh long vụ nghịch từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, nên nông dân có lãi.

Ông Nguyễn Văn Vị, thôn 5, xã Hàm Liêm chia sẻ: “Gia đình tôi có 1.000 trụ thanh long, nhưng chong đèn một pha 300 trụ mới xuất bán cách đây 3 ngày với giá 5.000 đồng. Trong khi đó, theo tính toán, sau khi tính chi phí tiền điện, phân bón vẫn lỗ khoảng 4 triệu đồng”. Ông Vị cho biết thêm, một số hộ có trái thanh long không đẹp chỉ được giá 3.000 đồng/kg, hay loại hàng cồ xuất cũng chỉ có giá cao nhất là 8.000 đồng/kg. Còn anh Nguyễn Văn Thành ở cùng thôn có diện tích hơn 1.000 trụ thanh long đang giai đoạn vuốt tai. Tuy nhiên, khi nghe thông tin các hộ xung quanh bán với giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi mức đầu tư chi phí đã ở khoảng 8.000 đồng/kg. Do đó, anh Thành nhẩm tính, nếu bán ở giá hiện tại thì cầm chắc thua lỗ.

Nông dân xã Hàm Liêm và lứa thanh long đã chín rộ. Ảnh: N.Lân

Nhìn lại năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng Covid- 19, thị trường thanh long Bình Thuận có xu hướng trồi sụt ở mức thấp, không theo quy luật, nhất là ở thời điểm cuối năm. Trong khi đó, lâu nay thanh long Bình Thuận chủ yếu vẫn mua bán biên mậu với thị trường Trung Quốc. Tất nhiên ở thị trường này, thỉnh thoảng vẫn xảy ra việc bị ách tắc hàng hóa và giá cả tụt giảm mạnh…

Giải pháp nào để tháo gỡ?

Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh lý giải: Thời điểm này thời tiết ở Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc rất lạnh nên sức tiêu thụ chậm. Cùng với đó, việc kiểm dịch Covid- 19 ngày càng chặt chẽ ở khu vực biên giới, dẫn đến mặt hàng nông sản Việt Nam và thanh long Bình Thuận nói riêng bị tồn ở cửa khẩu rất nhiều. Trong khi đó, những năm qua, cây thanh long của tỉnh đã không ngừng tăng nhanh, cả diện tích và sản lượng. Diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2020 ở khoảng 33.300 ha, với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 698.000 tấn. Làm gì để giải bài toán về nghịch lý giá thanh long thấp trong mùa nghịch như thời điểm hiện tại? Theo ông Trí, hiện nay trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành công thương và đơn vị liên quan cần phối hợp cập nhật tình hình xuất khẩu nông sản. Đồng thời, có định hướng cho người sản xuất.

Thanh long là cây ăn quả xuất khẩu số 1 của Việt Nam, là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận. Tuy nhiên, trong sản xuất đang còn tồn tại khá nhiều yếu điểm cần được đầu tư nghiên cứu khắc phục nhằm đi theo hướng chất lượng cao và tăng tính cạnh tranh. Đó là Bình Thuận cần phải có được bộ giống đa dạng màu sắc, chủng loại, định hướng mở rộng thị trường khó tính. Ngoài ra, cần giảm việc tiêu tốn năng lượng điện, sử dụng tiết kiệm nước, tránh ô nhiễm môi trường, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến giảm chi phí nhân công.

Về phía nông dân trồng thanh long cũng mong muốn có sự vào cuộc của các cấp trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng cho đối tượng cây thanh long. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long và từng cơ sở kinh doanh nhằm điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường, đặc biệt là đầu tư chế biến quy mô công nghiệp. Qua đó, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thanh long. Cùng với đó, mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm…Có như vậy, mới mong giải được bài toán nghịch lý giá thấp ở thanh long nghịch vụ như hiện nay.

Kiều Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang