• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăm sóc cam trước và sau thu hoạch quả

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 16/12/2020
Ngày cập nhật: 17/12/2020

Việc chăm sóc cây cam trong quá trình nuôi quả và sau thu hoạch sẽ quyết định chất lượng và sản lượng quả. Tuy nhiên, đây cũng là điểm hạn chế của nhiều hộ trồng cam hàng hóa trong tỉnh Hưng Yên.

Thu hoạch cam ở xã Tam Đa (Phù Cừ)

Từ dự án “Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh cam nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cam Hưng Yên” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, người trồng cam trong tỉnh có thêm cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, thay đổi biện pháp chăm sóc cây cam vào giai đoạn quan trọng nhất: mùa quả và sau thu hoạch.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong thực tế sản xuất truyền thống, việc sử dụng phân bón cho cây cam ở một số hộ không theo khuyến cáo của nhà sản xuất và chưa phù hợp cho cây có múi. Có hộ sử dụng 70% lượng phân bón vô cơ, dẫn đến chai cứng đất làm cây nhanh thoái hóa, còi cọc và có thể hỏng cả vườn. Về lâu dài, sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cam, dẫn tới năng suất và hiệu quả kinh tế của cây cam giảm dần theo thời gian canh tác. Để cây bền, quả tốt, người trồng cam cần đặc biệt quan tâm tới quy trình chăm sóc, bón phân trong từng giai đoạn, nhất là khi cây bắt đầu ra quả. Nên ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh; phải phối hợp nhiều biện pháp như tỉa cành tạo tán, theo dõi, điều tra tình hình phát sinh sâu bệnh trên cây cam...

Cùng với đó, cây cam cần một chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cần thiết ngay sau khi kết thúc thu hoạch quả để cây bền khỏe, sẵn sàng cho vụ sau. Ông Trần Quang Vinh ở xã Tam Đa (Phù Cừ) có gần 10 nghìn m2 trồng cam tham gia dự án. Sau thu hoạch, ông Vinh chăm bón theo đúng quy trình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn: 15 - 20 ngày sau thu hoạch quả, việc cắt tỉa và vệ sinh vườn đã xong, sau đó bón phân chuồng, vôi, lân supe, đạm urê với tỷ lệ cân đối. Ông Vinh cho biết: “Trước đây, tôi thường chỉ chú trọng bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm sao cho quả ngọt, mã đẹp. Sau thu hoạch cũng không chăm bón, tỉa cành... nên nhiều cây yếu, bị sâu bệnh, chất lượng quả kém dần. Tham gia dự án, quy trình sản xuất của gia đình tôi đã thay đổi, chỉ sau một mùa sản xuất vườn cam không chỉ cho năng suất, chất lượng mà còn có sức sống hơn hẳn.

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý dự án cùng với cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tổ chức các biện pháp kỹ thuật cho nông dân tham gia dự án, đồng hành cùng nông dân, thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động của các điểm triển khai dự án. Sau một năm, các hộ trồng cam tham gia dự án đã nắm được kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại trên cây cam, kỹ thuật bảo quản và sơ chế quả cam, một số tiêu chuẩn VietGAP áp dụng trong sản xuất cam.

Cứ 10ha tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ phân bón hữu cơ, đạm, lân, kali, thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Cùng với đó, nông dân được hướng dẫn để áp dụng linh hoạt các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, bảo vệ quả cam như: Sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón phun qua quả nhằm hạn chế rụng quả, quả phát triển đều và đẹp; sử dụng phân bón từ cá ngâm, đậu tương ngâm làm tăng độ ngọt của quả; cắt tỉa để loại bỏ quả không đạt chất lượng; phòng, trừ một số sâu bệnh gây hại lá và quả nhằm hạn chế quả chín sớm và rụng; bón bổ sung phân kali khi quả ổn định sinh trưởng và trước khi quả chín 30 – 35 ngày giúp quả chín sớm, chín đều, mẫu mã đẹp; sử dụng thuốc sinh học, dùng bẫy bả, thiên địch, thuốc hóa học hợp lý góp phần hạn chế dư thừa thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm đất, nguồn nước và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, cam đang vào mùa thu hoạch rộ. Qua đánh giá bước đầu của Ban quản lý dự án, cơ bản số hộ trồng cam đều có hiệu quả kinh tế tăng 15-20%, chất lượng quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trừ chi phí có lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.

PV

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang