• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người đưa quả ngọt vùng đồi ra thị trường quốc tế

Nguồn tin: Thứ Tư, 09/12/2020
Ngày cập nhật: 12/12/2020

Không phải là những người đi tiên phong trong dự án thí điểm trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Trần Thị Hòa (SN 1988) ở xã Ngọc Mỹ đã mạnh dạn chọn giống thanh long để ươm đỏ một xứ vùng đồi; trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế và xuất khẩu ra thị trường nhiều nước.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc, thanh long ruột đỏ của gia đình chị Hòa, ở xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) cho quả to, vỏ dày, tai xanh, năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Gặp chị Hòa đang lúc thanh long vào vụ thu hoạch; ngôi nhà nhỏ của gia đình chị trên đỉnh đồi thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ ngập sắc đỏ của quả thanh long vừa được cắt từ vườn về.

Chỉ cho chúng tôi cả khu đồi bạt ngàn cây thanh long xanh phủ, chị Hòa kể chuyện ngày đầu khởi nghiệp:

Năm 2011, khi thấy một số hộ ở xã Vân Trục (Lập Thạch) chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng cây lấy gỗ sang trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập ổn định, gia đình chị quyết định chuyển 4 ha diện tích trồng cây lấy gỗ sang trồng thanh long ruột đỏ.

Không do dự, vợ chồng chị thuê 60 nhân công làm việc ròng rã ba tháng để san đất đồi. Chưa tính khoản tiền lương công nhân, chỉ với tiền mua dầu cho máy móc san ủi cũng đã tốn hơn 700 triệu đồng.

Số vốn bỏ ra tương đối lớn, nhưng thời điểm đó, vợ chồng chị Hòa cũng chỉ nghĩ đơn giản là đầu tư vào “phi vụ” này để có một công việc ổn định mà không phải đi xa gia đình.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu quy trình trồng trọt, chăm sóc giống thanh long ruột đỏ, tháng 9 năm 2012, gia đình chị Hòa trồng 4.000 trụ.

Đến năm 2013, thu hoạch lứa quả đầu tiên. Tuy nhiên, thanh long vụ đấy quả nhỏ và chất lượng không đạt như kỳ vọng. Qua tìm hiểu, chị Hòa “tá hỏa” khi biết mình mua phải giống thanh long kém chất lượng.

Mất cả công chăm sóc, mất cả cây giống đã ươm trồng… nhưng vợ chồng chị vẫn quyết định phá bỏ cả vườn để trồng lại giống mới.

Suốt 7 tháng ròng, vợ chồng chị đi khắp các tỉnh miền Nam, miền Tây để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thanh long.

Tuy nhiên, đặc điểm khí hậu cũng như thổ nhưỡng ở mỗi vùng khác nhau, nên việc tiếp thu kinh nghiệm cũng cần có sự chọn lọc, áp dụng sao cho phù hợp.

Chị Hòa chia sẻ: Ở phía Nam, với đặc điểm thời tiết ấm nóng, cây thanh long ruột đỏ có thể cho quả quanh năm nhưng ở vùng đồi mình, cây chỉ cho quả chính vụ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 10 Âm lịch.

Nguyên nhân là do thời tiết ở miền Bắc phân chia rõ bốn mùa và khắc nghiệt hơn vào mùa hè cũng như mùa đông. Nhiệt độ dưới 18ºC hay hơn 36ºC đều khiến cây chững lại, không thể sinh trưởng tốt để ra hoa đậu quả.

Chính vì thế, gia đình tôi luôn chú trọng đến việc chăm sóc cây, bảo đảm cây có đủ sức chống chọi với cái nắng nóng cực điểm vào mùa hè và giá rét vào mùa đông.

Mùa hè nhiệt độ cao thì giữ ít quả, hầu như cắt bỏ hết hoa để tập trung giữ sức cho cây. Khi kết thúc vụ thì tăng lượng phân bón để bảo đảm “sức khỏe” cho cây chống chọi với mùa đông.

Không giống như một số hộ trồng thanh long ruột đỏ khác để hàng trăm tay trên một trụ, nhà tôi chỉ để khoảng 40 tay. Vì ít tay thì cây sẽ không bị mất sức, tập trung cho cây nuôi quả. Để quá nhiều tay, nhiều hoa thì quả sẽ nhỏ, giá bán sẽ giảm.

Từ 4 nghìn trụ thanh long ban đầu, đến nay, gia đình chị Hòa đã trồng được thêm 36 nghìn trụ trên diện tích 36 ha đất đồi.

Với quy trình, kỹ thuật chăm sóc thuần thục và đặc biệt, giống cây thanh long vườn đồi nhà chị Hòa cho năng suất cao, quả to, vỏ dày, tai xanh…

Bình quân mỗi năm, sản lượng thu được từ 70 – 80 tấn quả với giá trị khoảng gần 1,5 tỷ đồng.

Không chỉ có mặt trong các chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình chị Hòa đã vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2017, chị xuất chuyến hàng đầu tiên sang Malaysia. Năm 2019, xuất sang các nước Úc, Đài Loan, Hồng Kông…

Sở dĩ thanh long ruột đỏ của gia đình chị Hòa luôn giữ giá cao hơn trên thị trường so với thanh long của các hộ sản xuất khác và được các doanh nghiệp đề nghị liên kết xuất khẩu là bởi ngoài việc nắm chắc kỹ thuật sản xuất, gia đình chị Hòa còn tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật hướng đến sản xuất sạch.

Ngay từ khâu cải tạo đất, gia đình chị đầu tư cả trăm triệu đồng để mua phân bón vi sinh. Phân bón hữu cơ được sử dụng trong suốt quá trình chăm sóc cây. Để đất trồng không bị cằn cỗi và bào mòn chất dinh dưỡng, chị Hòa đã lựa chọn thay thế nguồn đạm hóa học bằng đạm thực vật (từ đỗ tương) và động vật (từ cá).

Với những nỗ lực gieo quả ngọt trên vùng đất đồi, năm 2018, vợ chồng chị Hòa vinh dự được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Nhiều năm liền, chị Hòa là gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh, được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen.

Bà Phan Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Mỹ nhận xét: Chị Hòa là một trong những tấm gương hội viên tiêu biểu. Không chỉ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chị Hòa còn tích cực tham gia các phong trào của hội, đặc biệt là phong trào TDTT – VHVN; đóng góp xây dựng nông thôn mới, chia sẻ, giúp đỡ các hội viên khác phát triển kinh tế.

Thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, chị Hòa đã và đang tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm thêm sản phẩm mới là siro thanh long và rượu thanh long.

Bài, ảnh: Hoàng Cúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang