• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vui mùa na chiêm

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 08/12/2020
Ngày cập nhật: 10/12/2020

Khoảng 6 năm trở lại đây, nhiều hộ trồng na ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung và tỉa cành để na cho thu hoạch 2 vụ/năm thay vì 1 vụ như trước. Năm nay, thời tiết thuận lợi, người trồng na ở hai HTX Na dai Huyền Sơn và Na dai Lục Nam có kinh nghiệm áp dụng kỹ thuật mới nên vụ na chiêm được mùa lớn, giá bán tăng cao.

Những ngày này, vợ chồng chị Trần Thị Lý ở thôn Liên Giang, xã Huyền Sơn - Thành viên HTX Na dai Lục Nam khá bận rộn với việc thu hoạch vụ na chiêm. Chị Lý cho biết, gia đình hiện có khoảng 1,2 ha chuyên trồng na, từ 7-15 năm tuổi. Trên diện tích này, gia đình chị ước thu được 6-7 tấn quả, cao hơn na chính vụ khoảng 1 tấn.

Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX Na dai Lục Nam (bên phải) cùng thành viên HTX kiểm tra na chiêm đạt yêu cầu trước khi cho thu hoạch.

Với giá bán bình quân từ 35- 40 nghìn đồng/kg, vụ na chiêm này, gia đình chị thu về hơn 210 triệu đồng. “Có lẽ do thời tiết thuận lợi, cùng với chăm cây đúng lúc nên quả na vụ chiêm năm nay to đều, mẫu mã đẹp, bán được giá”, chị Lý phấn khởi nói.

Như chị Lý, gia đình ông Phương Minh Hiến ở thôn Liên Khuyên, cùng xã Huyền Sơn (thành viên HTX Na dai Lục Nam) cũng phấn khởi khi vụ na chiêm năm nay được mùa, tiêu thụ thuận lợi. Hiện gia đình ông có khoảng 1ha đất chuyên trồng na dai.

Ông Hiến nói: “Từ trước đến nay, chưa có vụ na chiêm nào được mùa, được giá như năm nay. Đây là nguồn khích lệ lớn cho chúng tôi tiếp tục quan tâm đầu tư, vận dụng những kinh nghiệm đúc kết được để chăm sóc na cho nhiều trái ngọt”. Được biết, gia đình ông Hiến là một trong những hộ đi đầu áp dụng khoa học kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và thụ phấn bổ sung cho na ra quả rải vụ. Vụ na chiêm năm nay, gia đình ông dự kiến thu khoảng 200 triệu đồng từ bán na.

Na chiêm ở Lục Nam hiện bán giá từ 35-40 nghìn đồng/kg, cao hơn so với vụ chính từ 10-15 nghìn đồng/kg, tiêu thụ rất thuận lợi.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm hộ trồng na dai ở xã Huyền Sơn và Nghĩa Phương- “thủ phủ” na dai Lục Nam có niềm vui từ vụ na chiêm này. Cơ bản các hộ dân ở đây là thành viên HTX Na dai Nghĩa Phương và HTX Na dai Lục Nam, với tổng diện tích gần 100 ha. Các hộ này có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thụ phấn bổ sung cho na.

Chính vì thế, vẫn ở vụ na chiêm này, nếu như ở một số địa phương khác trên địa bàn huyện chỉ cho năng suất bằng 20-30% so với chính vụ thì 100% diện tích na của HTX Na dai Nghĩa Phương và HTX Na dai Lục Nam đều cho năng suất cao hơn vụ chính từ 5-10% và cao hơn các vụ na chiêm năm trước từ 40-50%.

Được biết, để na chiêm có năng suất, chất lượng cao, các thành viên hai HTX trên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây na ngay sau thu hoạch chính vụ kết thúc. Theo các chủ vườn giàu kinh nghiệm ở đây, biện pháp để na ra trái vụ là cắt tỉa cành, giúp cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, cắt loại bỏ những quả lép, méo khoảng 2 đến 3 đợt/vụ.

Bên cạnh đó, bà con ít dùng phân hóa học cho vườn na, thay vào đó bón phân hữu cơ gồm phân trâu (hoặc phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục trong 8 tháng. Trong tro rơm có nhiều kali nên quả ngọt, rất bền và cây khỏe mạnh, đủ dưỡng chất nên gần như không có sâu bệnh.

Chị Trần Thị Lý, thôn Liên Giang, xã Huyền Sơn kiểm tra na chiêm trước khi thu hoạch.

Điều đáng mừng nữa ở vụ na chiêm năm nay là giá bán cao hơn so với vụ chính từ 10-15 nghìn đồng/kg, tiêu thụ rất thuận lợi. Na chín đến đâu, tư thương đưa ô tải về tận vườn thu mua đến đó. Bà Thân Thị Thoan, tư thương đến từ tỉnh Hải Dương cho biết: “Chúng tôi thường phải đến từ rất sớm để gom hàng mang đi tiêu thụ tại các thị trường như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An… Nhìn chung, chất lượng na chiêm năm nay ở Lục Nam cao hơn các năm trước. Người tiêu dùng rất thích ăn na chiêm vì vị ngọt, cùi dày hơn, quả lại ít hạt so với na chính vụ”.

Hiện trên địa bàn huyện Lục Nam có hơn 1,7 nghìn ha na dai, trong đó khoảng 87% diện tích được người dân tổ chức sản xuất rải vụ (áp dụng kỹ thuật tỉa cành, thụ phấn bổ sung). Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch cho quả na từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm.

Diện tích na dai sản xuất tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Đông Hưng và Lan Mẫu. Đây cũng chính là khu vực địa lý đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ cho quả na Lục Nam. Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX Na dai Lục Nam khẳng định: “Trong sản xuất, chúng tôi luôn quán triệt tới các thành viên phải áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, khi quả na còn non xanh, người trồng na bắt buộc phải bọc túi nilon để tránh ruồi vàng, các loài côn trùng chích hút. Bởi vậy, na dai ở đây bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được uy tín trên thị trường”.

Thành Nam-Hạnh Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang