• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi lo đầu ra cho cây quýt: Chú trọng cải tạo, nâng cao chất lượng quýt

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 30/11/2020
Ngày cập nhật: 2/12/2020

Mặc dù quýt là cây trồng chủ lực của các xã phía Tây của huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), mang lại giá trị kinh tế, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định và làm giàu. Tuy nhiên, giá cả còn bấp bênh. Vấn đề đặt ra là cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng thâm canh theo hướng bền vững.

Hiện nhiều hộ dân ở xã Quang Thuận chuyển đổi sang cây trồng khác.

(Trong ảnh: Một vườn cây thanh long ở thôn Khuổi Piểu, xã Quang Thuận cho thu nhập khá).

Ông Nguyễn Văn Thế, thôn Bản Pè (xã Dương Phong) từng gắn bó lâu năm với nghề trồng quýt, nhưng trước những khó khăn về đầu ra của cây ăn quả này, ông đã trồng vài trăm gốc cây trà hoa vàng dưới tán quýt, đồng thời trồng mới 1ha quế. Theo ông, cây lâm nghiệp tuy trồng lâu năm nhưng ưu điểm là không lo lắng về đầu ra hay mất nhiều công chăm sóc, hơn nữa phát triển kinh tế vườn, đồi, rừng còn phụ thuộc vào sức khỏe, nhân lực, nên cần tính toán trồng loại cây sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo lãnh đạo huyện Bạch Thông, trong mấy năm gần đây trên địa bàn đã có nhiều hộ chủ động chuyển đổi, thay thế một số cây trồng khác, điển hình như cây cam sành, cam đường canh, cam V2, cam Xã Đoài, bưởi, thanh long, táo, nhãn… Riêng giống cam sành mới và cũ cả huyện có gần 200ha; các giống cam V2, cam đường canh phát triển lên hơn 100ha. Việc đa dạng hóa các loại cây trồng là giải pháp nhằm thay thế các loại cây ăn qủa đã già cỗi, bệnh, năng suất thấp.

Điển hình như hộ anh Bàn Trường Minh, thôn Khuổi Cò (xã Dương Phong) lựa chọn trồng cam sành, theo anh cam sành chín vào thời điểm Tết Nguyên đán, giá thành cao gần gấp đôi quýt, dễ chăm sóc, thời gian bảo quản được lâu. Vì thế anh trồng hơn 200 gốc cam sành bản địa áp dụng theo hướng VietGAP, sau 4 năm trồng hiện cây đã cho quả, dự kiến hơn 1 tháng nữa là anh được bán.

Diện tích cây có múi của huyện Bạch Thông hiện có hơn 1.600ha, sản lượng hơn 12.000 tấn/năm. Cây quýt đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2012, tham gia vào các chương trình hội chợ, quảng bá sản phẩm như Tuần lễ cam, quýt... tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Nhiều ý kiến cho rằng, quýt Bắc Kạn chưa đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Dù giá cả bấp bênh nhưng đây vẫn là cây trồng chủ lực của các xã phía Tây huyện Bạch Thông. Chủ trương của huyện mấy năm gần đây không khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây quýt, mà tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng cây ăn quả, chuyển đổi những diện tích già cỗi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Đáng chú ý, mấy năm gần đây Bạch Thông đã đưa vào các chương trình hỗ trợ, thâm canh, cải tạo cây cam, quýt theo hướng VietGAP. Các chương trình của tỉnh, huyện đã giúp cho nhiều hộ dân từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất, thâm canh cây trồng, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng quả. Gần đây nhất đã có 02 HTX là HTX Đại Hà và HTX dịch vụ Nông nghiệp Dương Phong được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích được công nhận là gần 27ha gồm cam, quýt, bưởi. Đây là cơ sở quan trọng để mở ra cơ hội đầu ra cho cây quýt bản địa, tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Anh Bàn Trường Minh, thôn Khuổi Cò (xã Dương Phong) trồng hơn 200 gốc cam sành áp dụng theo hướng VietGAP.

Trong lộ trình phát triển cây ăn quả giai đoạn 2020 - 2025, huyện Bạch Thông đã ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm. Theo đề án, huyện dự kiến trồng mới 500ha cây cam sành, trong đó thay thế một số diện tích quýt già cỗi, cải tạo 300ha quýt theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Những giải pháp về khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và giải pháp về tiêu thụ cũng đã được đề ra khi bước vào tổ chức thực hiện.

Đã đến lúc phải nhìn nhận về thực trạng phát triển cây ăn quả của địa phương, từ định hướng quy hoạch, đến lựa chọn, thay thế cây trồng phù hợp để cây ăn quả đặc sản địa phương có thể cạnh tranh, thị trường tiêu thụ rộng, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân./.

Thu Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang