• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Từ bỏ bục giảng, thạc sĩ về quê nuôi gà

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 01/08/2019
Ngày cập nhật: 2/8/2019

Đang là giảng viên của một trường đại học, sẵn "máu" làm nông nghiệp, thạc sĩ Hoàng Ngọc Việt (sinh năm 1986) bất ngờ về quê lập nghiệp, cùng bạn bè biến đồi cây vốn chỉ trồng thông, bạch đàn năng suất thấp thành trang trại nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả. Hiện nay, thương hiệu gà Hamatra của anh từng bước có chỗ đứng trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Mỗi tháng, trang trại nuôi gà sạch của anh Việt thu lãi hơn 80 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, chàng cử nhân trẻ Hoàng Ngọc Việt làm việc tại một công ty chuyên về in ấn sách, báo tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau đó, anh học thạc sĩ và làm giảng viên giảng dạy bộ môn Tin học tại Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tưởng như sẽ mãi gắn bó với công việc này nhưng đến năm 2016, anh quyết định về quê làm trang trại.

Tâm sự với chúng tôi, anh Việt cho biết: “Tôi vốn đam mê làm nông nghiệp từ hồi còn bé, bởi thế, sau khi lập gia đình, có con, đi mua thức ăn để nấu cháo cho con thấy nhiều loại thực phẩm: Chim câu, gà... sử dụng cám công nghiệp nên đã nảy sinh ý tưởng nuôi 10 đôi chim bồ câu trong khuôn viên gia đình tại phường Hùng Vương (thành phố Phúc Yên). Từ 10 đôi chim bồ câu ban đầu, chỉ sử dụng các loại thức ăn thông thường là lúa và ngô, thấy thịt thơm ngon, dần dần, người này giới thiệu người kia, gia đình phải làm chuồng kiên cố nuôi 200 đôi để cung ứng cho bạn bè, hàng xóm ở Phúc Yên và Hà Nội. Và rồi, khi được người chú “rủ rê” về quê làm nông nghiệp, năm 2016, sau khi khảo sát nhiều nơi, tôi cùng 3 người bạn mạnh dạn thuê 22ha đất đồi của một gia đình ở thôn Đồng Tâm (xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên) bắt tay xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi đỏ với trên 6.000 gốc và 2.000 gốc cam Cao Phong (Hòa Bình). Nhận thấy nhu cầu của thị trường về thịt gà sạch là rất lớn trong khi số lượng các trang trại nuôi gà sạch đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại chưa nhiều, đầu năm 2018, tôi mua 500 con gà ta lai của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát về nuôi thử nghiệm”.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh Việt gặp nhiều khó khăn, nhất là khi gà mắc bệnh hen. Để chất lượng thịt gà ngon, xây dựng được thương hiệu gà sạch, ngoài việc chăn thả bán tự nhiên trên đồi, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, trang trại của anh Việt sử dụng nguồn thức ăn phối trộn tự nhiên bao gồm: Thóc mầm, cám ngô, rau xanh theo mùa. Tuy nhiên, sau khi xuất bán, anh Việt nhận thấy nhược điểm của giống gà này là có trọng lượng lớn, thừa cân, không phù hợp với nhu cầu của thị trường là các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới. Không nản lòng, sau lứa gà đầu tiên đó, mày mò tìm hiểu, anh Việt thử sức với gần 1.500 con gà Minh Dư bởi tỷ lệ tích mỡ của giống gà này khá ít. Nhưng cũng chính bởi đặc tính đó, giống gà này tiêu tốn lượng thức ăn khá nhiều khiến chi phí sản xuất lớn nên sau 8 tháng nuôi, trang trại của anh Việt bị thua lỗ.

Anh Việt cùng 3 người bạn quyết tâm làm lại từ đầu. Qua tham khảo nhiều kênh thông tin, các mô hình nuôi gà thả vườn trên mạng xã hội, nhóm cộng sự của anh Việt quyết định chọn nuôi giống gà mía Lạc Thủy, gà mía Sơn Tây với nhiều ưu điểm nổi trội như thịt chắc, thơm ngon và thời gian nuôi tới khi xuất chuồng ở mức vừa phải. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi sạch nên sản phẩm thịt gà của trang trại được nhiều khách hàng tin tưởng và sử dụng. Đến nay, mỗi tháng, trang trại của anh Việt và cộng sự xuất bán ra thị trường hơn 2.000 con gà mía thương phẩm. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng, trang trại nuôi gà sạch của anh Việt thu lãi hơn 80 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.Không chỉ từng bước ổn định đầu ra mà niềm vui tiếp tục đến với anh Việt khi sản phẩm gà của trang trại đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Việt cho biết, anh cùng với các bạn đang tiến hành xây dựng thương hiệu gà sạch của trang trại mang tên Hamatra và một trang web riêng để giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Thực tế, có rất nhiều siêu thị, nhà hàng và các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội đặt hàng nhưng với công suất như hiện nay, trang trại chưa thể đáp ứng được. Vì vậy, ngoài việc sẽ tăng quy mô đàn, phát triển thêm một số giống gà mới, trang trại của mình sẽ liên kết với một số mô hình nuôi gà sạch trong tỉnh hoặc ở các địa phương lân cận ”- Anh Việt chia sẻ.

Bài, ảnh Lưu Nhung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang