• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phòng, chống dịch tả heo Châu Phi theo đặc thù khu vực Tây Nam Bộ

Nguồn tin: Báo An Giang, 11/06/2019
Ngày cập nhật: 12/6/2019

Dịch tả heo Châu Phi đang lây lan nhanh trong cả nước nói chung, khu vực Tây Nam Bộ và tỉnh An Giang nói riêng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, nguy cơ bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan rất cao, có thể phát triển theo 3 hướng: dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa bị; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày và đặc biệt nguy hiểm hơn, bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Tuyên truyền phòng bệnh cho các chủ hộ chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Long Xuyên

Dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100%, hiện chưa có thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh. Virus gây bệnh có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt heo (như: xúc xích, giăm bông, salami) vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Virus có khả năng chịu được nhiệt độ 56oC trong 70 phút, 70oC trong 20 phút, 100oC trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại Hậu Giang vào ngày 11-4, sau đó tiếp tục lan rộng ra các tỉnh khác. Trong quá trình kiểm tra đôn đốc phòng, chống dịch bệnh tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, phát hiện một số tồn tại, bất cập. “Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi heo xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến; mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết các chủ hộ chăn nuôi bị dịch bệnh chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch, nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Một số hộ chăn nuôi vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Các hộ khi phát hiện heo có bệnh, nghi ngờ mắc bệnh không khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, mà tự ý điều trị, vứt xác heo ra ngoài môi trường. Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch chưa kịp thời; chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên… Hiện nay, đang là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa, các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL có hệ thống kênh, rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin.

Để giảm áp lực về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, từ đó giảm số lượng heo bệnh phải tiêu hủy, góp phần giảm thiểu tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có bệnh dịch tả heo Châu Phi, dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

Cơ sở được phép giết mổ heo phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định. Cơ sở nằm trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ heo và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh từ cơ sở chăn nuôi heo ở trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Heo đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Sản phẩm từ heo sau khi giết mổ được vận chuyển bằng phương tiện theo quy định của Luật thú y, phải lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo Châu Phi để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ heo.

Trước khi vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát và lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh. Trường hợp xuất bán, vận chuyển dưới 100 con, chỉ lấy mẫu máu 5 con heo để gộp thành 1 mẫu xét nghiệm. Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dưới 5 con, thì phải lấy mẫu tất cả heo và gộp thành 1 mẫu xét nghiệm. Trường hợp từ 100-300 con, lấy mẫu máu của 15 con, gộp thành 3 mẫu xét nghiệm. Trường hợp xuất bán, vận chuyển trên 300 con, phải lấy mẫu máu 30 con để gộp thành 6 mẫu xét nghiệm. Đối với chủ cơ sở thu gom, kinh doanh, trước khi vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ, cũng phải báo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, với số lượng gấp đôi quy định trên.

Đặc biệt, phải tiêu hủy ngay toàn bộ heo tại ô chuồng nuôi, cơ sở thu gom, khu vực cách ly dương tính với mầm bệnh; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Cơ sở giết mổ heo, cơ sở bảo quản sản phẩm từ heo có kết quả dương tính với mầm bệnh phải thực hiện việc tiêu hủy heo, sản phẩm từ heo của lô sản xuất dương tính với mầm bệnh; ngừng sản xuất và thực hiện việc tổng vệ sinh, sát trùng liên tục trong vòng 5 ngày trước khi giết mổ, kinh doanh trở lại.

Hiện nay, các địa phương cần rà soát lại và hoàn chỉnh ngay các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý sớm và kịp thời các ổ dịch. Việc xử lý chôn lấp cần chú ý đến giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường, đặc biệt là ở vùng ngập nước như Tây Nam Bộ. Đối với các chủ trang trại, hộ nuôi đừng chủ quan và tăng cường hơn nữa biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang