• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển bền vững đàn chim yến

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 12/05/2019
Ngày cập nhật: 14/5/2019

Trong khuôn khổ Festival Biển 2019, ngày 11-5, hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Những biến động bất lợi

Theo kết quả điều tra, khảo sát hang đảo yến năm 2018 của Công ty Yến sào Khánh Hòa, vùng duyên hải Nam Trung bộ đang là khu vực có số lượng hang yến tự nhiên lớn nhất cả nước với 223 hang yến lớn nhỏ. Trong đó, Khánh Hòa có 173 hang yến, Bình Định 16 hang, Quảng Nam 9 hang, Quảng Ngãi 3 hang, Phú Yên 13 hang và Ninh Thuận 9 hang. Bên cạnh yến đảo, 10 năm trở lại đây, nghề nuôi yến trong nhà để lấy tổ với mục đích thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số hơn 8.540 nhà yến, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung. Riêng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có 3.424 nhà yến. Đến cuối năm 2018, sản lượng yến sào của cả nước đạt khoảng 63.400kg.

Chim yến đảo thiên nhiên ở Khánh Hòa. (Ảnh do Công ty yến sào Khánh Hòa cung cấp)

Tuy nhiên, những năm gần đây, sự thay đổi khí hậu và nóng lên trên toàn cầu làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của chim yến. Sự suy giảm về diện tích rừng tự nhiên, sự gia tăng về quần đàn chim yến, cạnh tranh về thức ăn đã tác động đến sự di cư của quần thể chim yến. Bên cạnh đó, nạn săn bắt chim yến đang diễn ra tại một số tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên và gần đây xuất hiện ở Khánh Hòa, ảnh hưởng nguy cấp đến sự an toàn của quần thể chim yến, làm suy giảm nguồn tài nguyên yến sào của các địa phương.

Ông Nguyễn Anh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, 2 năm qua, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cơn bão lớn đã làm suy giảm đàn chim yến ở Khánh Hòa. Tình hình nhiệt độ tăng cao, tốc độ đô thị hóa cũng ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sinh sống của loài chim này. Do đó, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi chim yến là rất cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, hiện nay, bên cạnh yến đảo phát triển, yến nhà cũng phát triển, nguồn thức ăn chắc chắn bị cạnh tranh. Khi quần thể phát triển lớn sẽ không cân bằng với hệ sinh thái. Ngoài ra, trong một không gian mà quy hoạch sử dụng đất luôn thay đổi thì đàn chim yến phải dịch chuyển đến vùng khác để kiếm ăn. Như vậy, việc phát triển quần đàn chim yến nếu không quản lý sẽ gặp rủi ro từ các hoạt động quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nơi có nghề nuôi yến phát triển.

Cần kết hợp nhiều giải pháp

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, kiến thức khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng trong nghề nuôi chim yến. Một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ như: kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến, nhân tạo chim yến, kỹ thuật sản xuất thức ăn, kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, xây dựng nhà. Song, việc nuôi chim yến vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Các địa phương đều nuôi tự phát là chính, dẫn đến việc quản lý dịch bệnh còn bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học và dịch bệnh cho đàn yến. Để đàn yến phát triển an toàn và bền vững, ông Trọng đề nghị cần công khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn các tỉnh, thành phố; giám sát chặt chẽ tình hình nuôi chim yến trên địa bàn theo quy hoạch.

Ông Tào Anh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho rằng, muốn phát triển đàn yến bền vững, cần đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ phát triển nghề nuôi này. Đồng thời, ứng dụng các bí quyết kỹ thuật di chuyển đàn yến, tăng cường công tác bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm yến sào thiên nhiên.

Đối với yến đảo, nhiều ý kiến thừa nhận, hiện nay, hầu hết các hang yến đều bị ảnh hưởng khi có bão xảy ra, vì vậy cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ an toàn cho đàn chim yến khi có thiên tai. Việc xây dựng hang trú đông trên đảo yến là giải pháp tối ưu để bảo vệ an toàn cho quần đàn chim yến. Bên cạnh đó, các giải pháp về ánh sáng, độ ẩm và áp dụng khoa học công nghệ cao cho việc phát triển đàn yến cũng cần được tính đến.

Ông Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, bên cạnh các giải pháp về khoa học kỹ thuật, thức ăn, môi trường sinh thái cho đảo yến, nhà yến, cần xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến của quốc gia; các địa phương trong toàn quốc cùng phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ; ưu tiên quy hoạch phát triển nuôi chim yến đảo tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Đồng thời, thực hiện quy hoạch phát triển thêm hang đảo yến mới tại Đà Nẵng, Bình Thuận. Theo ông Hoàng, thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn. Vì vậy, cần khai thác tốt nhất lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương.

Đình Lâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang