• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Nông dân Tam Đảo làm giàu từ nuôi con đặc sản

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 14/02/2019
Ngày cập nhật: 16/2/2019

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, tiềm năng du lịch, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã vươn lên thoát nghèo nhờ mạnh dạn nuôi các con đặc sản như: Cá Hồi, cá Tầm, dê, hươu, nhím, dúi, lợn rừng…

Nông dân Tam Đảo làm giàu từ nuôi con đặc sản

Là một huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diện tích đất manh mún, đồi núi. Tuy nhiên, với những lợi thế về khí hậu, địa hình cũng như sự phát triển của các cơ sở dịch vụ du lịch, Tam Đảo có điều kiện để phát triển nghề chăn nuôi con đặc sản, tạo nên sắc thái riêng trong phát triển kinh tế so với các địa phương khác của tỉnh.

Đến thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù hỏi ông Trương Quang Sinh ai cũng biết, bởi lẽ, ông là một trong những người tiên phong mang giống lợn rừng về địa phương gây nuôi và giúp nhiều hộ khác cùng làm giàu.

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông Sinh không ngần ngại chia sẻ: “Nhận thấy lợn rừng là loài vật dễ nuôi, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên, rất phù hợp với điều kiện địa phương, năm 2003, tôi lặn lội lên Hà Giang nhập đôi lợn rừng bố mẹ về nhân giống. Sau vài năm, số lượng đàn lợn rừng tăng lên đáng kể, tôi thuê máy múc đào hào trên diện tích 8ha đất đồi của gia đình để nuôi theo kiểu bán hoang dã”.

Theo ông, để thịt lợn rừng đạt chất lượng thì cái khó nhất chính là kỹ thuật chăn nuôi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không có quy trình cụ thể nào. Tuy nhiên, lợn rừng chỉ ăn 1 bữa/ngày và ít dịch bệnh hơn giống lợn thông thường nên không tốn công chăm sóc. Giá cả thường ổn định, đầu ra thuận lợi. Tính đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng khoảng 13 tấn lợn rừng (hơn 300 con), thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Đạo Trù là xã miền núi khó khăn của huyện, diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Thế nhưng, hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn biết tận dụng những ưu thế của vùng đất khó để phát triển kinh tế nhờ nuôi con đặc sản như: Hươu, lợn rừng, thỏ, gà đồi, nhím, dúi...

Với vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, nằm trên trục đường Quốc lộ 2B đi thị trấn Tam Đảo và tuyến đường tỉnh lộ đến với khu danh thắng Tây Thiên nên ngành dịch vụ - thương mại của xã Hợp Châu phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô.

Ông Trần Văn Tưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 400 hộ kinh doanh cá thể, hàng chục nhà hàng, quán ăn... phát triển với doanh thu khá cao. Điều đó tạo ưu thế rất lớn về đầu ra cho nhiều mô hình nuôi con đặc sản trên địa bàn xã. Điển hình như mô hình nuôi hươu sao bán con giống, nhung hươu và thịt thương phẩm của anh Nguyễn Văn Tân, thôn Đồi Thông, cho thu nhập mỗi năm gần 300 triệu đồng.

Năm 2016, sau một thời gian đi tham quan và tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi mới, nhận thấy mô hình nuôi hươu sao phù hợp với điều kiện của địa phương nên anh Tân đã mạnh dạn đầu tư. Hiện nay, đàn hươu của anh Tân sinh trưởng tốt, có khoảng hơn 30 con với giá trị gần 800 triệu đồng.Trong thời gian tới, anh Tân dự định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và phát triển mô hình theo hướng tham quan du lịch.

Có thể thấy, những mô hình nuôi con đặc sản trên địa bàn huyện Tam Đảo góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Ông Vũ Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Đảo cho biết, Tam Đảo là huyện miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do còn nhiều hạn chế về trình độ khoa học kỹ thuật, đồng vốn hạn hẹp nên nhiều bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi, đầu tư con giống, mở rộng chuồng trại... Chính vì vậy, quy mô của nhiều mô hình còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thật sự tương xứng với những lợi thế, tiềm năng của huyện.

Để loại hình kinh tế này phát huy xứng tầm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, trong thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, Hội tích cực tìm kiếm thêm nhiều kênh dẫn vốn nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Bài, ảnh Phùng Hải

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang