• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho gia súc

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 20/11/2019
Ngày cập nhật: 21/11/2019

Mùa đông năm nay dự báo sẽ khắc nghiệt hơn, xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài, do vậy huyện Sa Pa đã sớm chỉ đạo các xã, hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi.

Vụ rét năm 2018 - 2019, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Sa Pa mới thấy nhẹ nhõm bởi nền nhiệt độ trung bình cao hơn những vụ rét trước. Cùng với đó, người chăn nuôi đã cẩn thận và chủ động hơn trong công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi nên thiệt hại ở mức rất thấp. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để bảo vệ được vật vuôi trong mùa đông ở Sa Pa là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực cao của các xã và hộ chăn nuôi. Thành công trong công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi trong vụ rét năm 2018 - 2019, song các xã và người chăn nuôi không nên chủ quan trong vụ rét năm 2019 - 2020, bởi thời tiết thay đổi thất thường và ngày càng khắc nghiệt. Năm nay, công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc được UBND huyện chỉ đạo sớm và được các xã triển khai ngay đến người chăn nuôi.

Rơm, rạ từ vụ mùa được người dân dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, thời tiết khắc nghiệt, các đợt rét kéo dài từ cuối tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau và kèm theo mưa tuyết chính là khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống đói rét cho gia súc trên địa bàn. Ngoài ra, tập quán thả rông gia súc vẫn còn. Một số hộ chưa chủ động dự trữ đủ thức ăn xanh cho gia súc và nhiều hộ không di chuyển đàn gia súc đi tránh rét theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Nhiệm vụ quan trọng nhất được UBND huyện Sa Pa xác định là nâng cao nhận thức về tác hại của rét đậm, rét hại cho người chăn nuôi, từ đó phát huy tính chủ động trong phòng, chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, các xã đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tại các cuộc họp thôn, bản để phổ biến đến người dân các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân các xã đã thu gom rơm, rạ, cây cỏ thân mềm để phơi khô, bảo quản, dự trữ thức ăn nơi khô ráo, đồng thời gieo ngô dày làm thức ăn cho gia súc; đảm bảo lượng rơm, cỏ dự trữ tối thiểu 4 tạ/con trâu (bò). Các hộ chuẩn bị thức ăn tinh (ngô, sắn, cám gạo) để bổ sung cho gia súc trong những ngày rét đậm, giúp tăng cường sức khỏe và khả năng chống chịu rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.

Ông Hạng A Nhà, ở thôn Sa Pả, xã Sa Pả cho biết: Được sự hướng dẫn của khuyến nông viên xã, gần đây gia đình tôi đã đưa trâu về nhốt trong chuồng sớm hơn. Đồng thời, tôi chủ động trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc và nếu không đủ, tôi sẽ mua thêm, không để gia súc thiếu thức ăn trong những ngày rét.

Cùng với chuẩn bị, dự trữ thức ăn cho gia súc, việc sửa chữa chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc được các xã vận động hộ chăn nuôi khẩn trương thực hiện. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trong tháng 11 này, các xã yêu cầu di chuyển đàn gia súc về nuôi nhốt tại chuồng hoặc những nơi kín gió, có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Đối với các xã hằng năm có đàn gia súc di chuyển tránh rét, đến thời điểm này đã rà soát, thống kê số hộ đăng ký số lượng gia súc di chuyển tránh rét và nơi gia súc di chuyển đến để có phương án quản lý. Đối với những xã trên địa bàn có gia súc từ nơi khác chuyển đến tránh rét, UBND huyện yêu cầu phải nắm rõ số hộ, số lượng gia súc, nơi xuất phát của gia súc di chuyển đến và tạo điều kiện về địa điểm nuôi nhốt gia súc cho các hộ phải đưa đàn gia súc đi tránh rét. Thú y viên hoặc khuyến nông viên xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc đàn gia súc, thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường khu vực nuôi nhốt. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã tổ chức tiêm phòng kỳ 2 cho đàn gia súc...

Đến nay, huyện Sa Pa có 13.000 con đại gia súc, trong đó đàn trâu có 10.300 con, đàn bò có 2.620 con. Qua công tác chỉ đạo của huyện và các xã, đã có 4.460 hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố nuôi nhốt gia súc, chiếm gần 95% tổng số hộ chăn nuôi; gần 1.500 hộ chăn nuôi trồng cỏ dự trữ thức ăn cho gia súc, với gần 100 ha; hơn 4.000 hộ chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. Sự chuẩn bị sớm của huyện Sa Pa là rất cần thiết để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” trong mùa rét năm nay, góp phần hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất đối với người chăn nuôi.

THANH NAM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang