• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Người dân miền núi chủ động chọn kênh tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Phú Yên, 25/12/2018
Ngày cập nhật: 27/12/2018

Hầu hết các hộ dân vẫn chọn bán mía cho nhà máy vì đây là kênh tiêu thụ ổn định - Ảnh: MINH DUYÊN

Trước đây, ở vùng miền núi của tỉnh, nông dân có thể bán nông sản trực tiếp cho các nhà máy chế biến, các trạm cân, thương lái và các doanh nghiệp bao tiêu... Nhiều kênh như vậy nhưng việc tiêu thụ nông sản với người dân chưa bao giờ dễ dàng bởi họ thụ động, cả tin, không nắm chắc thông tin trên thị trường. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, người dân đã chủ động tìm hiểu thị trường và thông tin doanh nghiệp trước khi sản xuất.

Nhiều kênh thu mua

Theo UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên), địa phương có 6 doanh nghiệp và 129 cơ sở thu mua, chế biến các loại nông sản như mía, sắn, cây ăn trái và rau củ quả các loại. Lớn nhất phải kể tới Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam hợp đồng tiêu thụ mía với hơn 7.600 hộ dân, chiếm trên 49% tổng số hộ dân toàn huyện.

Theo ông K.Sat Yana Rayana, Giám đốc Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, trước mọi biến động của thị trường, công ty vẫn đảm bảo thu mua toàn bộ diện tích mía đã hợp đồng với bà con. Khi giá mía thấp, đơn vị kịp thời có những chính sách hỗ trợ về giá để hạn chế lỗ cho bà con như ưu đãi giá phân, cho vay vốn đầu vụ, hỗ trợ xe chở mía về nhà máy…

Hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có sự tham gia của chính quyền địa phương là một cách an toàn để người dân yên tâm sản xuất. Ông Trần Trí Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), cho biết: Nhiều doanh nghiệp đã tới khảo sát vùng sản xuất của xã và đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Nhưng trong năm qua xã chỉ chọn được Công ty TNHH Mầm Xanh làm mô hình trồng lagim sạch. Những cam kết về giá, chính sách đầu tư phân bón, kỹ thuật sản xuất của công ty đều có lợi cho bà con nên xã mới triển khai.

Tự tiêu thụ bằng cách bán lẻ hoặc tạo ra các sản phẩm từ cây trồng cũng là cách người dân có thêm kênh tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Minh ở xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân), cho biết: Nhà tôi có 2ha đất sản xuất, trong đó 1ha trồng nghệ để làm nguyên liệu chế biến tinh bột nghệ. Sản phẩm này gia đình tôi bán cho một cửa hàng ở Tuy Hòa và thị trấn La Hai hơn chục năm nay. Còn 1ha tôi trồng rau sạch, nấm, nuôi gà, thả cá bán ở nhà và ở chợ. Khách hàng biết mình tự trồng tự bán nên yên tâm.

Người dân thận trọng tìm đối tác

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Tôi có 8ha mía. Ngay từ đầu vụ, một số thương lái tới thỏa thuận giá thu hoạch mỗi héc ta mía 20 triệu đồng. Nếu bán như vậy, mình không mất tiền phân thuốc, công. Nhưng tính đi tính lại, tôi vẫn quyết định bán cho nhà máy; vì gần chục năm làm việc, nhà máy vẫn bao tiêu ổn định dù thị trường biến động và tôi vẫn được ưu tiên thu mua cũng như thanh toán đúng hẹn.

Riêng với cây sắn, tôi chọn bán cho các trạm cân. Bởi phần lớn các trạm cân gần rẫy, đỡ tốn chi phí vận chuyển mà giá so với nhà máy cũng chênh lệch không nhiều. Đặc biệt, cân xong nhận được tiền mặt ngay, không phải chờ đợi nên chúng tôi có điều kiện xoay vòng, kịp thời mua giống mua phân làm ngay vụ mới.

Với hầu hết nông dân, ngày trước khi nghe tin có doanh nghiệp vào đầu tư trồng và bao tiêu sản phẩm thì họ rất mừng. Còn nay, bà con thận trọng hơn. “Doanh nghiệp phải có địa chỉ trụ sở rõ ràng, được chính quyền xã hoặc huyện giới thiệu và cam kết bảo hộ sau thu hoạch thì bà con mới làm. Nếu không cứ trồng ra đó, đến lúc thu hoạch, doanh nghiệp đi mất, bà con biết bán cho ai”, ông Nguyễn Văn Khoa ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nói.

Còn ông Trần Văn Thái ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) với nhiều năm trồng rừng, đã tự gây dựng được một lượng lớn khách hàng chuyên thu mua gỗ. Ông cũng nhận được nhiều lời mời hợp tác từ phía các công ty, nhưng không phải công ty nào ông cũng đồng ý. Ông Thái cho biết: Mọi hợp đồng kinh tế đều là thỏa thuận giữa hai bên, nếu mình không cẩn thận thì phần thiệt về mình.

Vì vậy, trước khi hợp tác, tôi không chỉ tìm hiểu doanh nghiệp đó có tồn tại, có uy tín hay không mà còn phải nghiên cứu kỹ những điều khoản thỏa thuận có lợi không nữa. Hiện Công ty TNHH MTV Bảo Châu muốn liên kết với HTX Hòa Mỹ Tây để trồng rừng có chứng chỉ và xuất khẩu gỗ ra nước ngoài, nhưng những thành viên HTX như chúng tôi còn đang cân nhắc.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc quy hoạch vùng sản xuất gắn với nhà máy chế biến ở vùng miền núi đang giúp người dân có thu nhập cao từ trồng mía, sắn và cây ăn trái. Không chỉ vậy, các cơ sở thu mua, chế biến nông sản cũng ngày một nhiều, với khoảng 450 cơ sở, tăng 50 cơ sở so với năm ngoái, đã tạo điều kiện cho bà con có thêm lựa chọn, tránh bị ép giá. Các tuyến quốc lộ 29, 25, 19C… mở thêm đường giao thương, thu hút các doanh nghiệp và thương lái từ tỉnh khác qua ba huyện miền núi của tỉnh thu mua nông sản. Cùng với đó, chính sách của tỉnh về thu hút các nhà đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ tại đây cũng tạo điều kiện cho bà con nâng cao kỹ thuật sản xuất, tăng giá trị kinh tế cho nông sản tỉnh nhà.

MINH DUYÊN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang