• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xây dựng thương hiệu đường thốt nốt

Nguồn tin:  Báo An Giang, 28/11/2018
Ngày cập nhật: 29/11/2018

Dù đồng bào dân tộc thiểu số Khmer có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ nhưng chỉ duy nhất ở vùng Bảy Núi - An Giang là phát triển được nghề làm đường thốt nốt. Khi được gắn thương hiệu, đặc sản đường thốt nốt sẽ có điều kiện vươn xa, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng như khuyến khích làng nghề đường thốt nốt phát triển.

Các sản phẩm thốt nốt thu hút khách

Hỗ trợ tích cực

Theo thống kê, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên hiện có trên 100.000 hộ dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, thu nhập chính từ canh tác lúa ruộng trên và lấy nước thốt nốt. Trong đó, nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer bao đời nay và chỉ có An Giang là có được sản phẩm đặc sản này. Tuy nhiên, do cách thức sản xuất theo kinh nghiệm, sản phẩm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa có nhãn hiệu nên thường bị ép giá vào chính vụ. Từ đó, thu nhập của hộ Khmer còn bấp bênh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Châu Văn Ly cho biết, nhằm nâng cao thu nhập một cách ổn định cho người dân, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, khai thác và chế biến sản phẩm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang, Hội Nông dân tỉnh đề xuất Hội Nông dân Trung ương và được Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDHRRA) đồng ý tài trợ Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang”. Thời gian triển khai dự án là 3 năm (từ tháng 7-2016 đến 7-2019) ở 7 xã của huyện Tịnh Biên và 3 xã của huyện Tri Tôn. Mục tiêu của dự án là tập hợp những hộ dân đang khai thác nước thốt nốt lại thành tổ hợp tác, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách khai thác và chế biến nước thốt nốt đạt năng suất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa mang tính đặc trưng, độc đáo của người Khmer An Giang. Từ đó, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm, phát huy nghề truyền thống, kỳ vọng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 200 hộ tham gia với hơn 600 lao động người Khmer.

Sản phẩm du lịch mới

Trưởng ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh Ngô Hoàng Trọng cho biết, qua hơn 2 năm triển khai Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang”, Ban điều hành và quản lý dự án (Hội Nông dân tỉnh) cùng các địa phương đã thành lập được 8 tổ hợp tác, đào tạo 160 hộ Khmer với 480 lao động tại 8/10 xã tham gia dự án. Các hộ đã từng bước nâng cao nhận thức, khai thác đạt mức cao hơn và sản xuất ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với hỗ trợ các hộ xây dựng lò, trang bị dụng cụ lấy nước, nấu đường, dự án đã trang bị 82 máy đánh đường thay cho đánh bằng tay, giảm bớt lao động nặng nhọc cho phụ nữ. Để đa dạng hóa sản phẩm, Ban điều hành và quản lý dự án đã nghiên cứu và thiết kế máy tách đường bột và đường mật. Đường bột dùng sản xuất đường thốt nốt, đường mật thì làm nước màu. Ban điều hành và quản lý dự án còn thiết kế và đăng ký nhãn hiệu đường thốt nốt của dự án với tên gọi đường thốt nốt Bảy Núi kèm ghi chú “Sản phẩm truyền thống người Khmer An Giang”. Nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận.

Đường thốt nốt mang nhãn hiệu Bảy Núi của dự án đã được giới thiệu rộng rãi đến khách hàng tại 2 hội chợ do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào tháng 6-2017 và 5-2018. Sản phẩm được giới thiệu, quảng bá đến Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phía Nam, Hội Nông dân Trung ương và các tổ chức nông dân của Indonesia, Campuchia, Philippines, Đài Loan trong tháng 8-2018. “Các sản phẩm đường viên, đường bột mang nhãn hiệu, bao bì của đường thốt nốt Bảy Núi rất được quan tâm, khen ngợi”- ông Trọng nhấn mạnh.

Để sản phẩm duy trì đầu ra ổn định, bên cạnh đưa sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống bán hàng ở các tỉnh, giai đoạn 2018-2019, Ban điều hành và quản lý dự án sẽ chọn 5 xã để xây dựng điểm dừng chân nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách. Trong đó, đã ra mắt điểm dừng chân đầu tiên tại xã Ô Lâm (Tri Tôn). “Với tổng kinh phí đầu tư hơn 50 triệu đồng, trong đó có phần đối ứng của hộ dân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, điểm dừng chân Ô Lâm sẽ là đầu mối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên dự án tại địa phương, đồng thời là nơi giới thiệu, cung cấp các sản phẩm đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt như: nước thốt nốt, nước màu thốt nốt, bánh thốt nốt… cho du khách trong và ngoài tỉnh khi đến tham quan, du lịch tại địa phương”- ông Trọng thông tin.

Trong thời gian tới, Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang” sẽ chọn và xây dựng thêm 4 điểm dừng chân tại các xã tham gia dự án, trong đó ưu tiên chọn những địa phương có điều kiện thuận lợi để tiến hành đầu tư và hỗ trợ.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang