• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân nhàn hơn nhờ ‘cơ giới hóa’

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 21/11/2018
Ngày cập nhật: 25/11/2018

Những năm gần đây, máy móc ngày càng được nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dụng vào các công đoạn khác nhau trong canh tác. Nhờ đó, bà con đã an nhàn hơn, hiệu quả sản xuất cũng tăng lên đáng kể.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, nông dân đang trồng 1ha lúa tại ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, trước đây, bà con thường thu hoạch lúa thủ công, cụ thể là thuê nhân công cắt rồi bỏ vào máy đập lúa. Thời điểm đó, để 4 người có thể thu hoạch hết 1ha lúa cần đến 10 ngày. Chi phí thuê nhân công cũng cao, lên đến 150 ngàn đồng/người ngày nên mỗi ha lúa cũng tốn 5-6 triệu đồng chi phí thu hoạch. Ông Sáu cho biết: “Hiện nay, nhờ sử dụng máy gặt đập liên hợp nên thời gian được rút ngắn nhiều, chỉ khoảng 3-4 tiếng đã xong 1ha lúa. Chi phí cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng/ha, giảm 3 triệu đồng/ha so với trước đây. Bên cạnh đó, nhờ thu hoạch sớm nên tôi cũng chủ động hơn trong việc chuẩn bị sản xuất vụ lúa mới”.

Không chỉ trong khâu sản xuất và thu hoạch, các công đoạn bảo quản và chế biến lúa cũng được chú trọng chuyển sang dùng máy móc và đem lại hiệu quả. Ông Mai Văn Long (xã An Nhứt, huyện Long Điền) cho biết: “Trước đây, khi thu hoạch lúa, tôi phải đem lúa phơi ở trên đường đi, trong trường học. Giống lúa thơm chất lượng cao mà phơi theo lối truyền thống thì dễ bị vỡ hạt và giảm chất lượng nên đôi khi bị ép giá. Hiện nay, tôi đã sử dụng máy sấy. Ở xã cũng đã có 6 lò sấy phục vụ 100% sản lượng lúa của bà con trong mùa thu hoạch. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được nhiều thời gian. Chất lượng gạo cũng tăng lên đáng kể”.

98% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã An Nhứt, huyện Long Điền.

Bên cạnh những loại máy móc thông thường, nhiều nông dân, HTX đã đầu tư các hệ thống hiện đại trong sản xuất. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã An Nhứt, huyện Long Điền cho biết, trước đây, sau khi làm đất, mặt ruộng thường gồ ghề, điều này gây lãng phí lúa giống, phân bón… Do đó, HTX đã đầu tư máy san phẳng ruộng bằng laser. Nhờ vậy, nông dân tiết kiệm được lúa giống, kiểm soát được mức nước trong ruộng. Khi lúa mọc lên cũng cứng cây, ít đổ ngã hơn nên năng suất tăng 0,5-1 tấn/ha.

Ngoài sản xuất lúa gạo, nhiều nông dân trồng các loại cây lâu năm như hồ tiêu, nhãn, bưởi cũng đã áp dụng máy móc vào sản xuất. Trong đó, nhiều nhất là khâu tưới nước. Hiện nay, riêng trên địa bàn huyện Châu Đức đã có khoảng 1.500ha hồ tiêu được tưới tự động. Trong đó, có 30ha sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại của Israel. Ông Nguyễn Văn Hai (ấp Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, để tưới nước, bón phân 1,2ha hồ tiêu ông phải tốn 7-8 tiếng/ngày. Phân bón, điện, nước cũng lãng phí do không được phân bổ đều cho các cây. Do đó, ông đã đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt trị giá khoảng 120 triệu đồng. Với hệ thống tưới nước, bón phân này, ông Hai chỉ mất nửa tiếng để cho phân vào thùng đựng, máy sẽ tự động hút, hòa tan và tưới đều các gốc cây. Nhờ vậy, ông tiết kiệm được 60 triệu đồng/tiền phân bón, nước, điện, và nhân công lao động.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, nông dân đã áp dụng máy móc vào nhiều công đoạn khác nhau trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều khâu đã được cơ giới hóa ở mức rất cao như làm đất (100%), phun thuốc trừ sâu bệnh (70%). Tỷ lệ sử dụng máy móc của các khâu sản xuất khác như tưới tự động, sấy... cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, cơ giới hóa nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong khâu bảo quản, sơ chế. Điều này khiến tỷ lệ hao hụt nông sản còn cao, chất lượng giảm, thời gian tồn trữ ngắn. Do đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý, vận hành cho người sử dụng máy móc, thiết bị cơ giới nhằm nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch và bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất. Chi cục Phát triển nông thôn cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Dự án Cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để thực hiện nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Bài, ảnh: QUANG VINH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang