• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Nỗ lực giành thắng lợi nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo An Giang, 06/07/2018
Ngày cập nhật: 7/7/2018

Xác định tăng trưởng khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản) có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, ngành nông nghiệp đang tập trung quyết liệt các giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, thủy sản và cây ăn trái là những mặt hàng trọng tâm.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Mặc dù xác định lúa là cây trồng chủ lực nhưng An Giang chủ trương giảm dần diện tích lúa, chuyển sang rau màu, cây ăn trái có giá trị cao hơn. Bù lại, năng suất đạt cao, kéo theo sản lượng tăng thêm. Cụ thể, vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh xuống giống 235.054ha lúa (giảm 6.140ha), năng suất bình quân hơn 7,35 tấn/ha (tăng hơn 0,32 tấn/ha so vụ đông xuân trước), sản lượng đạt gần 1,73 triệu tấn (tăng 67.000 tấn).

“Đây là vụ đông xuân có năng suất cao nhất trong 5 năm gần đây. Kết quả này có được nhờ công tác phòng, chống dịch hại được thực hiện tốt. Ngành nông nghiệp cũng đã giảm chủ động 10.000ha nếp, đỡ thiệt hại cho nông dân khi nếp rớt giá” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Cá tra đóng góp lớn vào tăng trưởng nông nghiệp

Ông Thư cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, diện tích cây lâu năm của tỉnh có xu hướng tăng dần qua từng năm. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã trồng mới hơn 600ha, nâng tổng diện tích cây lâu năm lên hơn 15.700ha, tăng 2.475ha so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm đạt gần 98.000 tấn (tăng gần 12.000 tấn), trong đó tăng nhiều nhất là xoài (56.600 tấn, tăng 7.400 tấn), chuối (13.000 tấn, tăng 800 tấn), mãng cầu (300 tấn, tăng 20 tấn), sầu riêng (290 tấn, tăng 80 tấn), nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) đạt 1.260 tấn (tăng 520 tấn)…

Đối với lĩnh vực chủ lực khác của tỉnh là thủy sản, bên cạnh giá tăng cao, diện tích và sản lượng thu hoạch cũng tăng. Cụ thể, diện tích thu hoạch 6 tháng đầu năm đạt 1.438ha (tăng 246ha so cùng kỳ), trong đó diện tích thu hoạch cá tra đạt 501ha (tăng 40ha). Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích 200ha (tăng 17ha so cùng kỳ). 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng cá tra đạt 264.000 tấn (tăng 20.627 tấn).

“Giá cá tra nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao (29.000 - 30.000 đồng/kg) nhưng tỉnh cũng kiểm soát được giá con giống, không để tăng “nóng”, đồng thời tích cực triển khai “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” để đáp ứng nhu cầu con giống thả nuôi. Dù giá cá ở mức cao nhưng các địa phương cần tăng cường kiểm soát, chỉ cho thả nuôi theo quy hoạch được duyệt nhằm tránh cung vượt cầu”- ông Thư thông tin.

“Cần tính đúng, tính đủ cho nông nghiệp”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi đặt yêu cầu trên đối với Cục Thống kê tỉnh, đề nghị đơn vị đăng ký làm việc với Tổng cục Thống kê để có cách tính chính xác, phù hợp thực tế hơn. “An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó trọng điểm là cây xoài. Tuy nhiên, việc ngành thống kê vẫn tính giá xoài 7.000 đồng/kg là rất bất hợp lý, thấp hơn rất nhiều lần so với giá thị trường.

Mục tiêu đến cuối năm 2018, ngành nông nghiệp phải hoàn thành chứng nhận 500ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP ở cù lao Giêng (Chợ Mới). Một doanh nghiệp ở An Giang đã nâng diện tích dưa lưới lên 10ha, sắp tới là 20ha. Giá trị các loại cây trồng này khá cao nên cần phải tính đúng, tính đủ vào tăng trưởng của khu vực 1”- ông Thi yêu cầu.

Thực tế, dù tăng trưởng khu vực 1 trong 6 tháng đầu năm được đánh giá ở mức 1,76% nhưng giá trị tăng trưởng mang lại rất lớn. Nông dân trồng lúa, nuôi cá, trồng cây ăn trái… đều phấn khởi khi “trúng mùa, được giá”.

Ông Trần Anh Thư cho biết, 6 tháng qua, toàn tỉnh đã chuyển 1.900ha lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi 2.000ha sang canh tác rau màu, trọng tâm là liên kết tiêu thụ bắp non và đậu nành rau với Công ty Antesco.

“Việc phát triển vùng nguyên liệu bắp non sẽ góp phần vực dậy ngành chăn nuôi bò. Qua thống kê, đàn bò của tỉnh đã giảm từ 124.000 con trước đây xuống còn khoảng 77.000 con hiện nay. Đối với chăn nuôi heo, đề nghị UBND tỉnh triển khai gói hỗ trợ heo giống để đáp ứng nhu cầu con giống khi giá heo hơi đang tăng, nhiều hộ tái đàn”- ông Thư đề xuất.

Bên cạnh các giải pháp tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng kế hoạch, tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đạt năng suất, chất lượng tốt, ngành nông nghiệp An Giang đang mở rộng các mô hình liên kết nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang