• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Cần có giải pháp bền vững

Nguồn tin:  Báo Phú Yên, 28/06/2018
Ngày cập nhật: 30/6/2018

Khu vực trồng rau ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa - Ảnh: VÕ PHÊ

Nông sản được mùa mất giá, giá rẻ như cho, trái chín không có người mua… là nỗi lo thường trực của người nông dân. Làm thế nào để không “cạn” đường tiêu thụ, ổn định giá sản phẩm khi đến mùa thu hoạch là những vấn đề đặt ra hiện nay?

Trượt giá, ế ẩm trong mùa thu hoạch

Làng rau Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên được công nhận là làng rau truyền thống với hơn 400 hộ làm rau an toàn theo chuẩn VietGAP. Suốt 10 năm qua, người dân nơi đây “bấu víu” vào mô hình này với hy vọng nâng tầm sản phẩm. Nhưng những bó rau an toàn của Bình Ngọc chỉ có thể bán ngang giá với rau “chợ”. Ông Huỳnh Văn Sự, người tiên phong trồng rau VietGAP ở xã này, thở dài: Hơn 10 năm trước, ở TP Hồ Chí Minh người dân làm rau VietGAP được khách hàng rất ưa chuộng. Thấy vậy, tôi cùng 24 hộ khác rủ nhau lập thành nhóm sản xuất rau an toàn. Chúng tôi không dùng thuốc xịt cỏ, không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu chỉ dùng rất hạn chế, đảm bảo không có dư lượng độc hại. Vậy nhưng ngay lần đầu tiên đưa ra thị trường, rau trồng theo mô hình VietGAP lại thất bại. Khách hàng không tin đó là rau sạch. Còn giá thì chẳng khác gì rau bình thường.

Vất vả trồng, chăm sóc, mong đến ngày thu hoạch nhưng mấy tháng nay, người dân làng khóm Đồng Din (huyện Phú Hòa) buồn bã vì giá khóm xuống tận đáy. Đầu mùa thu hoạch, giá khóm chỉ 40.000 đồng/10 trái, thấp hơn phân nửa so với năm ngoái; nay gần hết mùa, giá bán ra 20.000/12 trái. Bà Nguyễn Thị Son, một người dân trồng khóm ở đây, cho biết: Năm ngoái, khóm được mùa giá lại cao, ai cũng đổ xô trồng. Năm nay, chính vụ thu hoạch mà giá chỉ 2.000-4.000 đồng/trái. Tính chi phí thì người trồng lỗ nặng. Nhưng điều đáng nói là giá thấp vậy vẫn không có người mua. Nông dân phải tự hái tự bán, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Tại các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Đông Hòa… cứ đến mùa thu hoạch dưa hấu, người dân cũng điêu đứng vì không có người mua, giá bán ra không đủ bù chi phí. Theo ông Ngô Hữu Nghiệp ở thôn Nam Bình 1, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, lứa dưa vừa rồi, ông trồng 3 sào, thu hoạch gần 5 tấn. So với mọi năm, năm nay, sản lượng dưa thu hoạch vẫn đạt cao nhưng giá thì quá thấp. Năm ngoái, giá dưa hấu bán ra được 5.000-6.000 đồng/kg, nay chỉ còn 2.500 đồng/kg, thậm chí thấp hơn nữa. “Không chỉ dưa hấu mà bắp, đậu, khoai chúng tôi làm ra cũng hên xui. Giá cả thất thường, may gặp giá cao thì nông dân kiếm chút lời, còn không thì đành chịu”, ông Nghiệp nói.

Bà Đỗ Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, cho hay: Một số loại cây trồng chủ yếu của người dân địa phương là đậu phộng, dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bí chanh, sen lấy hạt thường gặp phải tình trạng ế ẩm, giá thấp khi đến mùa thu hoạch. Trước đây, một số doanh nghiệp có tìm đến xã thu mua nông sản nhưng mấy năm gần đây thì không. Người đến mua tự định giá, buộc nông dân phải theo chứ không mua theo giá cạnh tranh. Trước mắt, chúng tôi chỉ biết vận động người dân luân canh để đảm bảo kinh tế nhưng về lâu dài cần có biện pháp bền vững hơn. Chúng tôi mong có doanh nghiệp hoặc cơ sở thu mua số lượng lớn với giá thị trường để giúp người dân ổn định đầu ra.

Cần có doanh nghiệp hỗ trợ

Theo đại diện Phòng NN-PTNT một số địa phương, các đơn vị này vẫn thường xuyên hỗ trợ người dân về khâu kỹ thuật, lựa chọn giống cây trồng hoặc phối hợp Sở NN-PTNT trình diễn các mô hình sản xuất phù hợp; nhưng việc hỗ trợ nông dân về đầu ra thì tuy có nỗ lực kết nối nhưng chưa hiệu quả.

Ông Phan Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Mầm Xanh (TP Tuy Hòa), cho biết: Với mong muốn hỗ trợ người dân trồng rau xã Bình Ngọc ổn định đầu ra, chúng tôi đã liên kết với Hội Nông dân xã Bình Ngọc trực tiếp hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, cách thu hoạch, bảo quản. Chúng tôi cũng kết nối với các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh để có thể bảo đảm tiêu thụ lâu dài, sau đó mới làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Còn theo ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, nhiều năm qua, đơn vị có hỗ trợ tiêu thụ một số loại nông sản cho nông dân trong tỉnh nhưng số lượng không nhiều và cũng chỉ mang tính thời vụ vì lượng tiêu thụ tại siêu thị không lớn. Về lâu dài, siêu thị mong muốn thu mua sản phẩm nông nghiệp của người dân trong tỉnh nhưng gặp nhiều khó khăn vì người dân khó duy trì cung ứng thường xuyên, đảm bảo chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn khác.

Lâu nay tại Phú Yên, ngoài sắn, mía của người dân trồng rồi hợp đồng bán cho một số doanh nghiệp hoặc tự bán cho thương lái các tỉnh thì những loại nông sản còn lại chỉ tiêu thụ nội tỉnh. Những loại này người dân sản xuất không nhiều và chưa hình thành vùng chuyên canh; hiệu quả sản xuất cũng chưa ổn định, chưa có quy trình bảo quản, đóng gói nên giá cả phụ thuộc vào nhu cầu, mùa vụ. “Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp cận với người dân ở một số nơi với mong muốn hỗ trợ tìm hướng tiêu thụ, nhưng đa số chưa hợp tác vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi khó khăn hiện nay là việc tìm được doanh nghiệp, cơ sở thu mua có quy mô, nhất là các doanh nghiệp dám đồng hành cùng nông dân. Để ổn định về lâu dài, người trồng nên tính đến việc tạo thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm; liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp từ khâu tiêu thụ đến bán lẻ hàng hóa. Về phần mình, Sở Công thương sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan kết nối với các hiệp hội, ngành hàng để thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; tiếp tục thông tin về thị trường nông sản để người dân cập nhật. Đồng thời phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức kết nối cung cầu hàng năm để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết.

VÕ PHÊ

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang