• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làn sóng nông nghiệp công nghệ cao biến “tấc đất” thành “tấc vàng”. Bài 1: Những bông hoa của đất

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh, 31/05/2018
Ngày cập nhật: 4/6/2018

Những năm gần đây, Bắc Ninh trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư với sự phát triển như vũ bão của công nghiệp, đô thị. Song hành với đó, bức tranh nông nghiệp của tỉnh cũng có những gam màu tươi sáng với sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) như làn sóng mang lại bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức và vướng mắc, rào cản đang rất cần được tháo gỡ song với sự say mê, nhạy bén, lòng quyết tâm cao của những người nông dân thời kỳ 4.0 và sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tin rằng nền nông nghiệp CNC của tỉnh sẽ dần hình thành, biến “tấc đất” thành “tấc vàng”, đem lại sự đổi thay diệu kỳ cho những vùng đất của một thành phố văn minh, hiện đại trong tương lai.

Bài 1: NHỮNG BÔNG HOA CỦA ĐẤT

Vẫn là những tấc đất, thửa ao nhưng có những người nông dân đã đi ngược lối mòn, mạnh dạn đầu tư, áp dụng những sáng kiến, công nghệ và cải tiến mới nhất để làm nông nghiệp. Và giờ đây, chính sự tìm tòi, mạnh dạn đột phá trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất ấy đã mang về cho họ những thành quả ngọt ngào, để “tấc đất” đã hóa “tấc vàng”.

Khi “hai lúa” khát khao chuyển mình

Từ bộ đội xuất ngũ, hành trang không có gì ngoài ý chí và bản lĩnh được tôi luyện trong kháng chiến, từng bươn trải hết từ nghề này đến nghề khác, bản thân chưa từng dám mơ đến làm giàu, chỉ nuôi quyết tâm phải thoát nghèo nhưng giờ đây ông Nguyễn Văn Vọng ở thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá (Thuận Thành) đã trở thành một tỷ phú ở miền quê thuần nông nhờ những đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Với bà Đỗ Thị Mơ, làm nông nghiệp CNC quan trọng là phải có đam mê và theo đuổi đến cùng.

Năm 2009, khi hầu hết những người nông dân trong tỉnh và ở quê ông vẫn nuôi gà theo hướng truyền thống là thả vườn thì ông Nguyễn Văn Vọng chọn cho mình một lối đi khác. Sau khi có cơ hội đi Thái Lan thăm quan các mô hình kinh tế cùng với đúc rút lại kinh nghiệm bản thân, ông bắt tay vào tìm hiểu về việc ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến và hiện đại trong kỹ thuật làm trang trại. Tận dụng vốn đất của gia đình, ông đấu thầu thêm 8000m2 đất ruộng vườn và cải tạo thành hệ thống VAC (vườn ao chuồng) trong đó chú trọng xây xựng cơ sở hạ tầng, hệ thống chuồng trại, áp dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Bioga, chế phẩm sinh học... để nuôi gà mái đẻ. Theo ông, nông nghiệp CNC không phải gì đó quá cao xa mà chính là sự đổi mới, áp dụng tiến bộ mới trong từng khâu như con giống, hay chuồng nuôi, thiết bị, quy trình chăm sóc…

Ông Vọng trải lòng: “Trên cùng một diện tích như vậy, nếu nuôi gà đẻ theo cách truyền thống là thả vườn, quây chuồng thì chỉ được khoảng 5 nghìn con gà. Nhưng với việc áp dụng một số công nghệ mới sẽ nuôi được khoảng 17 nghìn con mà lại đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng trứng đồng đều, hiệu quả kinh tế cao hơn”. Với số lượng gà như hiện nay, bình quân mỗi ngày trang trại xuất ra thị trường trên 15 nghìn quả trứng cộng với nguồn thu từ ao nuôi thủy sản và cây ăn quả nên trừ chi phí thuần, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng...

Cuộc “phiêu lưu” cùng lan hồ điệp

Vốn được ví như “ nàng công chúa đỏng đảnh” của các loài hoa, lan hồ điệp là loại hoa đẹp và kiêu sa nhưng lại cực kỳ khó “chiều” ở miền Bắc nếu chăm sóc với số lượng lớn bởi chúng có đặc tính ưa lạnh, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khá khắt khe. Vậy nhưng có một người phụ nữ chỉ đơn giản là vì yêu loài hoa ấy mà quyết định đặt những viên gạch đầu tiên mở đường xây dựng hệ thống trồng hoa lan CNC ở Bắc Ninh. Đó chính là bà Đỗ Thị Mơ, thôn Giới Tế, xã Phú Lâm (Tiên Du).

Nông nghiệp CNC là hướng đi mới của những người nông dân hiện đại.(Ông Nguyễn Văn Vọng bên mô hình nuôi gà theo hướng CNC).

Là một người con của vùng đất chuyên sản xuất cây giống, cây cảnh nên bà Mơ có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại cây cảnh và hoa quý ở nhiều nơi, nhưng để trồng được hoa lan trên mảnh đất quê hương, nhất là trồng theo hướng ứng dụng CNC thì bà đã phải cất công sang Trung Quốc và tự mình đến những vùng trồng lan trong cả nước để tìm hiểu, gom góp những kiến thức về loài hoa này. Năm 2007, với sự giúp đỡ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, bà mạnh dạn đầu tư 100m2 hệ thống nhà màng, nhà kính để trồng khoảng 4.000 cây lan. Nhận thấy công nghệ trồng hoa trong nhà kính mang lại những ưu điểm nổi trội, khắc phục được những rủi ro về mặt thời tiết có thể mang lại để cho được sản phẩm như mong muốn nên bà quyết định mở rộng hệ thống với quy mô lên đến 1.000m2 cùng dàn máy làm nóng, lạnh, quạt thông gió và hệ thống điều khiển tự động... với tổng số vốn hàng tỷ đồng.

Bà Mơ bộc bạch: Lan hồ điệp là loại hoa đòi hỏi người trồng phải chăm sóc đặc biệt, nhất là về chế độ dinh dưỡng, nước tưới, môi trường sinh trưởng... trong đó yếu tố tiên quyết vẫn là nhiệt độ lúc nào cũng phải duy trì ở mức 25-30 độ C thì mới tạo điều kiện cho lan phát triển và ra hoa đúng như dự kiến. Kỹ thuật chăm sóc lan hồ điệp rất cẩn trọng và lắm công phu nên ngoài công sức, trình độ của người trồng thì phải có những kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong quá trình trồng, chăm sóc thì mới mang lại hiệu quả”. Với việc đầu tư cho mô hình trồng lan ứng dụng CNC, hiện nay gia đình bà Mơ cung cấp ổn định ra thị trường khoảng 4 vạn cây lan vào mỗi dịp Tết hàng năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Rõ ràng, cuộc phiêu lưu dẫu mạo hiểm nhưng đã mang lại thành quả xứng đáng cho người phụ nữ dám yêu, dám làm, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người nông dân.

Kỹ sư về quê làm… nông dân

Đã từng nghe và chưa tin rằng đâu đó có những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân, thạc sĩ bỏ công việc tốt, lương cao, thậm chí bỏ cơ hội du học… để về quê làm nông nghiệp. Đến khi gặp Nguyễn Đình Hải và Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân (Lương Tài) - cặp vợ chồng tốt nghiệp những trường đại học top đầu là ĐH Bách khoa và ĐH GTVT (Hà Nội), đã đi làm được 2 năm với mức lương đáng mơ ước nhưng vẫn bỏ việc về trồng rau sạch thì chúng tôi đã cho mình lý do để tin và không hề thấy quyết định ấy “điên rồ” như người ta từng nghĩ.

Sự khởi đầu của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu bằng việc tìm hiểu, nắm bắt xu hướng thị trường đang “khát” rau sạch, người tiêu dùng đang chú trọng sức khỏe và mong muốn tìm những thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Khi những ý tưởng và cơ hội đã chín, Hải và Trâm quyết định bắt tay vào đầu tư cơ sở sản xuất rau an toàn khép kín (hiện là Công ty TNHH XNK nông sản Hải Phong). Bên cạnh việc đấu thầu 5ha đất trồng măng tây xanh và tím cùng các loại rau ngắn ngày và dài ngày như mồng tơi, cải ngọt, củ cải, cà rốt… họ liên kết với các chủ trang trại có diện tích đất lớn để tạo thành vùng chuyên canh rau. Đầu tư xưởng sơ chế làm nơi tập kết và sơ chế đóng gói sản phẩm, kho lạnh với công suất gần 170 khối chứa được trên 40 tấn hàng, mua ô tô làm phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất. Sử dụng hệ thống máy làm đất, hệ thống tưới tiêu, nói không với thuốc hóa học, áp dụng công nghệ sinh học và nano trong chăm sóc cây trồng làm tăng năng suất cũng như chất lượng rau củ quả.

Đáng chú ý, hiện công ty đang sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu đầu vào và dự báo sản lượng cài trên điện thoại và máy tính. Chỉ cần nhập ngày xuống giống loại cây trồng, hệ thống sẽ tự động cho ra sản lượng và thời gian thu hoạch dự kiến. Kiểm tra trực tiếp trên điện thoại sẽ cho ra thông tin lô/thửa đang sản xuất cây trồng gì, thời điểm nào cần phun phòng loại thuốc gì và đưa ra phương pháp chữa bệnh nếu cây trồng có hiện tượng. Nhờ vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí trong quá trình kiểm soát dịch bệnh trên đồng ruộng, ghi chép sổ sách và kiểm soát sản lượng, tránh hiện tượng thừa số lượng cần cung cấp ra thị trường.

Đến nay, công ty TNHH sản xuất rau sạch Hải Phong do hai vợ chồng Hải - Trâm làm chủ đã tạo dựng được một thương hiệu và niềm tin cho nhiều người dân, cơ sở chế biến thực phẩm và một số hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Doanh thu công ty không ngừng tăng cao từ 500 triệu năm 2014 lên đến 5,5 tỷ đồng năm 2017, tạo việc làm thường xuyên cho 20-40 lao động địa phương. “Làm ở đâu không quan trọng, quan trọng là làm như thế nào và với mục đích ra sao? Chúng tôi vẫn sẽ bước tiếp trên con đường đã chọn để thực hiện mong muốn mang những thực phẩm sạch nhất, tốt nhất phục vụ người thân và cả cộng đồng”- Trâm tâm niệm.

Không chỉ ông Vọng, bà Mơ hay vợ chồng Trâm - Hải, ở Bắc Ninh hôm nay đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm giàu, thoát nghèo nhờ ứng dụng hiệu quả CNC trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó cho thấy, nông nghiệp CNC chính là con đường mới mà ở đó, người nông dân đã không thể đứng ngoài cuộc. Ngoài tình yêu, sự say mê, lòng quyết tâm thì việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp chính là điều bắt buộc họ phải chuyển mình để không bị lùi lại phía sau của hành trình tìm hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Dù xuất phát điểm khác nhau, cách làm có thể cũng khác nhưng có một điểm chung là họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp - để từ đó hình thành nên một lớp nông dân hiện đại thời 4.0, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và ở họ đã không còn nhiều bóng dáng của những “áo nâu, chân đất” năm nào...

Lê Thanh - Huyền Thương - Nguyễn Hoa

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang