• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi nông dân dùng mạng

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang, 10/04/2018
Ngày cập nhật: 11/4/2018

Hiện nay, việc nông dân sử dụng điện thoại lên mạng tìm kiếm thông tin về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kết nối tiêu thụ hàng hóa khá phổ biến. Có được sự thay đổi đó một phần do bà con hưởng lợi từ dự án“Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam” do Tập đoàn Google tài trợ.

Nắm được kỹ thuật sản xuất, ông Nguyễn Văn Nhông, xã Xuân Phú (Yên Dũng) vừa thuê thêm ba mẫu ao để nuôi thả cá.

Vụ vừa qua, 15 tấn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) được tiêu thụ thuận lợi. Chủ hộ cho biết: “Tôi đăng hình ảnh và giá bán trên trang Facebook cá nhân, quảng cáo bán hàng. Qua đây nhiều khách hàng ở Hà Nội và các tỉnh đặt mua. Tôi bán được khoảng 1/4 sản lượng cam qua mạng với giá cao hơn. Số còn lại tiểu thương đến tận vườn thu mua”.

Được biết, đầu năm ngoái, anh Dũng tham gia lớp đào tạo sử dụng máy tính, điện thoại thông minh do Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức. Qua đó, chủ vườn biết cách tra cứu thông tin sản xuất, quảng bá kết nối tiêu thụ cam. Vừa trò chuyện, đôi bàn tay anh vẫn nhoay nhoáy lướt điện thoại tìm thông tin minh chứng. “Đúng là “cái gì không biết thì hỏi Google", tôi không ngờ công nghệ lại hiện đại vậy, chỉ cần đăng thông tin bán hàng, thỏa thuận với nhau qua mạng là xong, tìm kiếm kỹ thuật sản xuất rất nhanh", anh vui vẻ nói. Hiện anh Dũng có ý tưởng xây dựng trang web cá nhân chuyên quảng bá, liên kết tiêu thụ nông sản.

Trang Facebook trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng. Ảnh: Minh Ngọc.

Tại Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản xã Xuân Phú (Yên Dũng), gần 30 thành viên HND đều có khả năng sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh kết nối mạng để soạn thảo, sao lưu văn bản, lập hộp thư và tra cứu thông tin. Ví như ông Nguyễn Văn Nhông đã 60 tuổi nhưng chỉ sau gần một tháng học tập, làm quen đã biết cập nhật thông tin, áp dụng vào thực tiễn. Ông Nhông mua chiếc điện thoại có kết nối 3G về dùng, tìm kiếm trên mạng thấy người dân tỉnh Thái Bình sử dụng nước muối loãng xử lý ký sinh trùng cho cá giống trước khi chuyển sang ao nuôi thâm canh. Vụ cá vừa qua, ông áp dụng đúng phương pháp này; ao nuôi cá không bị mắc bệnh như trước và lớn nhanh.

Mới đây, ông Nhông thuê thêm ba mẫu ao để mở rộng sản xuất. Từ tháng 7 năm ngoái, sau khi tham gia lớp học do HND tỉnh dạy sử dụng máy tính, điện thoại nối mạng nâng cao trình độ sản xuất, hầu hết các thành viên HTX đều đầu tư điện thoại thông minh. Ban quản trị HTX lập nhóm kín trên Zalo, Facebook để mọi người chia sẻ khó khăn, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh Đỗ Văn Thinh, Chủ tịch HND xã Xuân Phú kể, hơn 100 nông dân tham gia lớp học được tiếp cận, nâng cao khả năng sử dụng điện thoại, máy vi tính. Bà con biết áp dụng một số kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất. Được biết, nhờ hiệu quả mang lại, HND huyện Yên Dũng đã thành lập 8 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân với Internet.

Hiện nay, tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, người dân dần xóa bỏ thói quen canh tác lạc hậu. Nhiều hộ tự ứng dụng công nghệ thông tin vào trồng trọt, chăn nuôi, đưa giống mới vào canh tác, tăng hiệu quả kinh tế. Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch HND tỉnh, Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Interrnet cho cán bộ, hội viên nông dân” giúp bà con biết tra cứu thông tin về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ hàng hóa. Hội đã đào tạo cho gần 300 hội viên tại huyện Lục Ngạn và Yên Dũng, thành lập 18 CLB Nông dân với Internet. Thời gian tới, Tập đoàn Google tiếp tục hỗ trợ, duy trì các CLB; thành lập mới 9 CLB, mở rộng việc giảng dạy kiến thức sử dụng Internet cho hội viên.

Nhằm tận dụng cơ hội chuyển giao kiến thức từ dự án trên cho hội viên, tới đây, HND tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn thành viên các tổ hợp tác, HTX để giảng dạy. Cùng đó, Hội tổ chức cuộc thi cán bộ, hội viên nông dân sử dụng máy vi tính nhằm khơi dậy tinh thần thi đua tự học tập, ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn. "Mạng Internet có nhiều hữu ích nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu không biết chọn lọc thông tin. Hội sẽ phối hợp với các cấp hội nông dân trong tỉnh hướng dẫn bà con nên tra cứu kiến thức ở những địa chỉ chính thống, uy tín, đồng thời lập trang web riêng giúp hội viên tham gia, nâng cao hiệu quả sản xuất", ông Lã Văn Đoàn nhấn mạnh.

Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Đến năm 2020, riêng Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho cán bộ, hội viên nông dân” có khoảng 1.500 hội viên được tham gia lớp học do Google tài trợ. Từ khi thực hiện đến nay, UBND tỉnh cũng phân bổ 300 triệu đồng để phổ cập kiến thức sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên nông dân”.

Hoàng Phương

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang